Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để cụ thể hóa quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chính quyền địa phương trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cùng với đó dự thảo cũng quy rõ trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và UBND các cấp.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp thông qua ngân sách địa phương. Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cơ sở để xác định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mà UBND các cấp phải trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hợp đồng.
Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính đúng, tính đủ cho một đơn vị khối lượng chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện xử lý bao gồm: Chi phí vận hành, duy trì; chi phí khấu hao, máy móc, nhà xưởng, công trình được đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn, nếu có) đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; các chi phí, thuế và phí khác theo quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, nguồn thu để chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm kinh phí (giá dịch vụ) mà tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo dự thảo Nghị định, nguyên tắc và phương pháp xác định cần gắn với chất lượng dịch vụ, công nghệ xử lý; bảo đảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải căn cứ vào công nghệ xử lý, điều kiện hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Về trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn một tỉnh, UBND cấp tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án giá gửi Sở Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư lập và trình phương án giá, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng, liên tỉnh, chủ đầu tư lập phương án giá và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan thẩm định. Kết quả thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở để UBND các tỉnh thuộc phạm vi dự án phê duyệt giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Về trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, theo dự thảo Nghị định ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 2 Điều 66 Nghị định này thì cơ sở cần đảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định…