Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại có văn bản giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống ETC. Các đơn vị được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức ETC.
Nhà đầu tư BOT sợ minh bạch?
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (TCĐB, Bộ GTVT) cho hay, ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản giao thực hiện ETC tại các trạm BOT trên toàn bộ QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14), hoàn thành trong năm 2018. Các trạm thu phí BOT khác phải hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, lãnh đạo TCĐB thừa nhận, việc thực hiện quá chậm so với kế hoạch được Chính phủ giao. Theo tìm hiểu của PV, hiện cả nước mới chỉ lắp đặt thiết bị được 29/44 trạm, với 109 làn thu phí. Hiện còn khoảng 500 làn vẫn chưa lắp đặt.
Theo đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), từ năm 2015, Tasco-VETC thử nghiệm thành công hệ thống thu phí tự động đường bộ. Đến tháng 7/2016, VETC kí hợp đồng với Bộ GTVT để triển khai dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc.
Được biết, nhiều nhà đầu tư BOT đang bất hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ này. Đại diện TCĐB cũng thừa nhận, nhiều nhà đầu tư cho rằng chất lượng dịch vụ của hệ thống do VETC cung cấp không đảm bảo nên họ từ chối nguồn cung từ đơn vị này, đồng thời đề nghị Tổng cục đưa công nghệ của nhà cung cấp dịch vụ khác. Tuy nhiên, cái khó của TCĐB Việt Nam là nếu cùng một dịch vụ mà sử dụng công nghệ của nhiều đơn vị có thể sẽ dẫn đến hệ thống điện tử không đồng bộ, tức thẻ dán ở xe này qua được trạm BOT này nhưng lại không qua được trạm BOT khác.
Theo chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thủy, việc nhiều nhà đầu tư BOT chậm lắp đặt hệ thống ETC, thoái thác lí do không hợp tác với TCĐB và nhà cung cấp dịch vụ là có chủ đích. “Anh lắp đặt ETC thì có máy thu tự động, rất minh bạch; nhưng anh lại không muốn minh bạch là có lí do của nó…”, ông Thủy nói và phân tích thêm, hiện nay với việc thu vé theo hình thức thủ công (vé giấy) rất khó quản lí chính xác số lượng xe qua trạm BOT, đồng nghĩa với việc khó giám sát số tiền thu được. “Các nhà đầu tư BOT không muốn minh bạch chính là ở chỗ này đây”, ông Thủy nhận định.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, một số thông tin cho rằng, nhiều lái xe có tâm lí không muốn dán thẻ từ, do đó gây khó khăn cho việc triển khai thu phí tự động không dừng.
Có thể hoàn thành trong năm 2019?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc chậm triển khai thu phí không dừng đang có tình trạng Bộ thì “đổ” cho nhà đầu tư BOT; nhà đầu tư thì “đổ” cho công nghệ ETC và người dân. Theo chuyên gia này, dù thu phí tự động hay thủ công thì Bộ GTVT cũng nên lập một hội đồng giám sát thu phí BOT. Hội đồng này có đại diện của Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện người dân. “Nếu không minh bạch số tiền thu được, BOT sẽ tiếp tục còn tiềm ẩn nhiều tiêu cực”, ông Thủy đánh giá.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, việc chậm triển khai thu phí không dừng là do các đơn vị này ngại minh bạch tài chính.
Đại diện Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang, ông Đinh Việt Hưng cho biết, doanh nghiệp là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Hiện, toàn tuyến này đã lắp tổng cộng 6 lần thu phí tự động. Ông Hưng thừa nhận, việc thu phí tự động sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan quản lí nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn bất cập là thói quen số người sử dụng chưa cao. “Chúng tôi có cả làn thu tự động và thủ công, nhưng xe chủ yếu sang làn thu thủ công, thu tự động chỉ chiếm 10% doanh thu”, lời ông Hưng.
Ông Hưng cho rằng, việc thu phí tự động sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan quản lí nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn bất cập là thói quen số người sử dụng chưa cao, ông nói: “Chúng tôi có cả làn thu tự động và làn thủ công, nhưng xe chủ yếu sang làn thu thủ công, thu tự động chỉ chiếm 10% doanh thu”.
Ngoài ra, theo ông Hưng trong quá trình sử dụng, hệ thống kỹ thuật cũng gặp trục trặc. “Trong quá trình vận hành, VETC đã phải đến sửa chữa, khắc phục rất nhiều lần”, ông Hưng nói và nhận định: Để toàn bộ hệ thống BOT cả nước có thể thu phí không dừng vào cuối năm 2019, thì TCĐB Việt Nam và đơn vị cung cấp dịch vụ còn nhiều việc phải làm. Được biết, cả nước hiện mới chỉ có khoảng 700.000 trong tổng số hơn 3 triệu phương tiện dán thẻ E-tag để ứng dụng ETC.