Thu phí vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh: Làm thế nào để đáp ứng kỳ vọng của người dân?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 1/1/2024, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai thu phí vỉa hè. Hoạt động thu phí hướng đến việc nề nếp hóa công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, đồng thời có nguồn thu để chăm sóc, phát triển hạ tầng vỉa hè thành phố. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một số mối lo về tính công bằng, minh bạch trong quản lý.
Vỉa hè được kẻ vạch vàng thu phí tại các tuyến đường quận 1, TP HCM. (Ảnh: NM)
Vỉa hè được kẻ vạch vàng thu phí tại các tuyến đường quận 1, TP HCM. (Ảnh: NM)

Sẽ chấm dứt tình trạng “mỗi nơi quản lý một kiểu”

Một thực trạng về vấn đề này tại TP Hồ Chí Minh (TP HCM) trước đây là “mỗi nơi quản lý một kiểu”. Cùng trong thành phố, nhưng có những tuyến đường, vỉa hè được quản lý rất nghiêm, bảo đảm thông thoáng. Tuy nhiên, một số tuyến thì ngược lại, lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm “triệt để”.

Đơn cử, tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ địa phận TP Thủ Đức chạy qua quận Bình Thạnh cho đến Gò Vấp, suốt một con đường dài hàng chục cây số, hầu như đoạn nào cũng diễn ra cảnh buôn bán, kinh doanh, ăn nhậu, để xe... tấp nập trên vỉa hè. Có những đoạn, các quán cà phê theo kiểu bar nhạc sôi động cho giới trẻ lấn sát ra đường, nhân viên tràn hẳn xuống lòng đường đón, vẫy khách, nhạc mở ồn ào chát chúa.

Hay như ở khu vực vòng xoay Hồ Con Rùa, quận 3, cứ đêm về, hầu hết các vỉa hè khu vực này đều được các quán cà phê... xí phần để đặt ghế ngồi bán cà phê. Các băng ghế đá dành để người dân ngồi chơi thì biến thành... bàn cho các quán cà phê “dã chiến” này. Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, những người kinh doanh còn tận dụng lòng đường làm nơi để xe máy của khách đến uống cà phê, đặt bảng hiệu thu hút khách... Chung quanh công viên tại Hồ Con Rùa, hàng chục xe đẩy bán bánh tráng trộn, nước giải khát, cá viên chiên... đậu vòng quanh, lấn chiếm cả một đoạn lòng đường khiến xe cộ phải vừa chạy, vừa... né.

Vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã dẫn đến sự lộn xộn, mất mĩ quan đô thị. Không chỉ thế, vỉa hè là “tài sản chung” của người dân, nhưng việc một số cá nhân lấn chiếm với mục đích riêng khiến người dân không được sử dụng để di chuyển bộ... Ngay khu vực trung tâm thành phố, các đoạn đường xoay quanh chợ Bến Thành, đường Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng... là nơi du khách đến tham quan nhiều, nhưng việc đi bộ trên các tuyến đường này không hề dễ dàng. Vì các vỉa hè bị lấn chiếm gần hết cho các hoạt động kinh doanh, người đi bộ sẽ trải qua cảm giác như đang “vượt chướng ngại vật”, đoạn thì đi trên lề, đoạn phải đi xuống lòng đường.

Còn có tình trạng, cùng một khu vực, một tuyến đường, nhưng có đoạn người kinh doanh lấn chiếm rầm rộ, tràn lan, nhưng đoạn khác, hễ người dân đậu xe, để đồ ra vỉa hè là bị xử phạt. Đồng thời, một thực trạng đáng buồn là lực lượng trật tự đô thị phải thường xuyên đi “bắt bớ”, tịch thu bàn ghế, bảng hiệu, xe máy... lấn chiếm vỉa hè. Điều này vừa mất thêm công sức cho lực lượng quản lý, vừa dễ dẫn đến bức xúc trong người dân.

Người dân ủng hộ

Thống kê tại một số quận trung tâm thành phố, hiện nay, quận 1 có khoảng 54 tuyến đường mà vỉa hè đủ điều kiện tổ chức dùng tạm một phần cho việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán. Quận 3 đã khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện, quận Bình Thạnh có 18 tuyến đường đủ điều kiện cho dùng một phần để giữ xe, kinh doanh, điểm bố trí công trình...

Theo quan sát, hiện nay tại các quận trung tâm TP HCM, đặc biệt là quận 1 đang kẻ vạch vàng phân chia ranh giới đi bộ và kinh doanh trên một số tuyến đường, có thể kể đến Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo... Tại các tuyến đường có kẻ vạch vàng, xe cộ, hàng quán đã được sắp xếp trật tự sao cho việc kinh doanh không vượt quá vạch vàng, chừa lối cho người đi bộ và người dân tự giác, vui vẻ tuân thủ.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, kinh doanh ăn uống trên đường Nguyễn Trãi chia sẻ: “Tuy trước giờ tôi có sử dụng vỉa hè để kinh doanh, nhưng tôi rất ủng hộ chủ trương thu phí vỉa hè. Bởi trước đây không có quy định rõ, tôi cũng không biết phải làm sao, vì ở các tuyến đường trung tâm nhà cửa chật hẹp, kinh doanh thì không tránh khỏi phải lấn ra vỉa hè để có chỗ để bàn ghế, giữ xe. Nếu thu phí minh bạch thì tôi sẽ không phải nơm nớp lo bị phạt nữa. Cạnh đó, tôi cũng ủng hộ việc hè phố thông thoáng, có chỗ cho người đi bộ, như vậy sẽ giúp đường phố đẹp, văn minh hơn”.

TP HCM triển khai thu phí vỉa hè đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ từ đông đảo người dân. Tuy nhiên, một trong những vấn đề người dân quan tâm là làm sao để việc thu phí được minh bạch và công bằng, có như thế hoạt động thu phí mới thực sự đem lại hiệu quả.

Hồi tháng 9/2023, tại kỳ họp chuyên đề Kỳ họp lần thứ 11, HĐND TP HCM đã biểu quyết đã thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn từ ngày 01/01/2024. TP HCM chia thành 5 khu vực, trong đó khu vực quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thu phí cao nhất 50.000 đồng/m²/tháng (không phải khu trung tâm) và 100.000 đồng/m²/tháng (tuyến đường trung tâm) cho các hoạt động kinh doanh, mua bán… (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe). Riêng sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe sẽ chịu mức phí 350.000 đồng/m²/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m²/tháng cho các tuyến còn lại. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày/tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính một tháng.

UBND TP HCM giao Sở Giao thông vận tải TP HCM tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải TP HCM quản lý; UBND cấp quận - huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp quận - huyện quản lý. Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Đọc thêm