‘Thủ phủ’ cây ăn quả Hoài Ân khánh thành trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 7/12, huyện Hoài Ân (Bình Định) đã tổ chức khánh thành Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện là các loại cây ăn quả được đặt tại số 128 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Tăng Bạt Hổ.
‘Thủ phủ’ cây ăn quả Hoài Ân khánh thành trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Huyện trung du Hoài Ân (Bình Định) xác định sản phẩm chủ lực của địa phương là cây ăn quả, nên từ năm 2018 đến nay, huyện này đã đầu tư trên 4 tỷ hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, hệ thống tưới, quy trình chăm sóc thực hiện dự án phát triển 3 loại cây ăn quả chủ lực là bưởi da xanh, bơ và dừa xiêm theo hướng VietGAP. Đến nay, dự án đã thực hiện được trên 75ha bưởi, dừa xiêm và bơ. Qua đánh giá của ngành chuyên môn, 1ha cây ăn quả trong dự án hiện cho thu nhập trên 400 triệu/năm.

Từ hiệu quả của mô hình, người dân huyện Hoài Ân đã tự tìm tới với cây ăn quả với kỳ vọng đổi đời, đến nay, trên địa bàn huyện này đã có trên 3.900ha cây ăn quả các loại. Loại cây có diện tích nhiều nhất là ừa với 1.725ha, trong đó trên 500 ha dừa xiêm với 261ha đã cho kinh doanh, sản lượng trên 4,2 triệu quả/năm. Thứ đến là 405ha bưởi da xanh, trên 210ha đã cho kinh doanh, sản lượng trên 1.671 tấn/năm. Ngoài ra còn có 75ha bơ, 670ha chuối cùng các cây trồng khác như cây cam, quýt, chôm chôm, sầu riêng, na thái với diện tích gần 900ha.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân

Ngoài ra, huyện Hoài Ân còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể các sản phẩm chủ lực. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho các sản phẩm nông nghiệp của Hoài Ân 7 nhãn hiệu tập thể gồm 5 nhãn hiệu cây trồng là bưởi da xanh, dừa xiêm, chè Gò Loi, tiêu hạt, mít thái và 2 nhãn hiệu vật nuôi là “Heo Hoài Ân” và “Gà ta thả vườn Hoài Ân”. Ngoài ra, Hoài Ân còn 37 sản phẩm như bưởi da xanh, trà gò loi, trà nụ hoa hòe, bún khô, mật ong dú, thịt heo thảo mộc, tinh dầu bưởi, gạo hữu cơ... được công nhận đạt sản phẩm ocop xếp hạng từ 3 sao trở lên; trong đó có 3 sản phẩm đạt ocop xếp hạng 4 sao.

Hiện ở Hoài Ân có trên 100ha diện tích bưởi da xanh, dừa xiêm và 1 số loại cây trồng khác được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; sản phẩm nông nghiệp của địa phương này cũng đã được cấp 10 mã số vùng trồng với diện tích trên 50ha, tạo điều kiện tiêu thụ cho sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, tại Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I diễn ra vào năm 2022, ngành chức năng huyện này đã liên kết với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 5 đơn vị. Không dừng lại ở đó, huyện Hoài Ân mong muốn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nên đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây dựng Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Tại trung tâm, những sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, ocop, hữu cơ sẽ được giới thiệu với khách hàng, du khách nhằm đưa sản phẩm đi xa.

Cũng theo ông Vương, trong thời gian tới, ngành chức năng huyện Hoài Ân sẽ phối hợp với các ngành liên quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, hộ gia đình trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo theo tiêu chuẩn, đạt chất lượng, số lượng và nâng cấp bao bì, tem, nhãn sản phẩm; ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.

Khách tham quan Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân

Khách tham quan Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân

“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân sẽ đồng thời phối hợp, triển khai thực hiện các chuỗi liên kết, kết nối đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh; ký kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, chia sẻ.

Đọc thêm