Hiện tượng hải sản chết hàng loạt liên quan đến nhiều ngành
Thưa Thứ trưởng, những ngày qua hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại miền Trung là vấn đề mà người dân tại các địa phương này cũng như cộng đồng xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng. Với trách nhiệm được giao chủ trì xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nêu trên, ông có thể cho biết Bộ KH&CN đã thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?
- Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức KH&CN có liên quan họp thống nhất và ra quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia KH&CN quốc gia với 03 Tổ chuyên gia tập trung vào nghiên cứu các nhóm tác nhân (1) hóa học, (2) sinh học và (3) khí tượng, thủy văn và động lực học biển.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Chuyên gia KH&CN quốc gia cũng đã mời một số chuyên gia khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) có kinh nghiệm tham gia phối hợp xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.
Có thể nói, tất cả lực lượng các tổ chức KH&CN, nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan đã tham gia vào quá trình phân tích, đánh giá và xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt này.
Với tính chất là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái… việc xác định nguyên nhân thực sự là một vấn đề lớn, phức tạp và đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật.
Đủ cơ sở để có câu trả lời thuyết phục
Thưa ông, từ những chỉ đạo của Chính phủ, rồi sự vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH&CN như ông nói trên, đến nay chúng ta đã thu nhận được những kết quả gì? Ông có thể cung cấp để cộng đồng biết không?
- Bộ KH&CN và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ý thức được trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về việc nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt nêu trên để sớm báo cáo Chính phủ, công bố trước nhân dân.
Thực chất đến nay đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng, mà việc giải quyết về mặt khoa học vừa đòi hỏi huy động liên ngành vừa yêu cầu tính chuyên sâu cao trong từng xem xét phân tích khoa học. Đó là chưa nói đến yêu cầu phân tích hồi tố về điều kiện thực địa ban đầu.
Các kết quả phân tích riêng lẻ không đủ cơ sở để có câu trả lời đầy đủ căn cứ khoa học vững chắc. Khi làm việc với các nhà khoa học, có những thời điểm ban đầu, đôi khi có cảm nhận là thực sự khó khăn để có được một kết luận tổng hợp, toàn diện và thuyết phục.
Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học liên ngành như: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân…, tính đến thời điểm ngày 26/4/2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính là độc tố học và tảo độc.
Có thể khẳng định việc cập nhật liên tục diễn biến hiện trường và phối hợp tổ chức lấy các mẫu vật, kết hợp với phân tích hồi tố về điều kiện thực địa lúc xảy ra sự cố môi trường đã đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu, phân tích để xác định nguyên nhân một cách khoa học.
Các đối tượng lấy mẫu: cá, nước (tầng mặt và tầng đáy), trầm tích, san hô, sinh vật phù du, hệ sinh thái biển, động vật đáy, các dữ liệu ảnh viễn thám… là cơ sở để phân tích đánh giá đầy đủ kết luận khoa học.
Thực chất đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan.
Các nhà khoa học nước ngoài khi được trao đổi tham vấn với Hội đồng Chuyên gia KH&CN quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định nguyên nhân.
Cho đến nay, các kết quả phân tích mẫu, kết quả đối chứng đã cơ bản thể hiện sự hội tụ và phù hợp với những quy luật và diễn biến thực địa. Kịch bản nguồn phát sinh tác động, lan truyền ra sao, ảnh hưởng đến cá và sinh vật biển kể cả san hô như thế nào đã dần được sáng tỏ.
Trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học cho thấy hơn một tháng qua chúng ta đã nỗ lực và cũng đã đi một chặng đường dài đến giai đoạn nước rút cuối cùng thực hiện mục tiêu đề ra.
Như vậy có thể nói đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ KH&CN đang nỗ lực cùng với Hội đồng Chuyên gia KH&CN và các bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân.
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 06/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 04/5/2016.
Từ đó đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa. Cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại thời điểm đó, quy mô và tính chất của hiện tượng hải sản chết chưa thể hiện dấu hiệu đầy đủ của một sự cố thảm họa môi trường trên diện rộng.
Sau đó, tất cả các Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các ngành NN&PTNT, TN&MT, Y tế, … cũng đã tổ chức lấy và phân tích mẫu hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung này.
Cho đến nay, các hiện tượng bất thường, từ góc độ khoa học đều đã được tiếp cận, duy trì cập nhật và xử lý làm cơ sở cho việc phân tích xác định nguyên nhân./.