Đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản của địa phương
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 28/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 10/02/2023 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo quy định, tập trung vào các hoạt động ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đông đốc thi hành hành pháp luật; công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật; việc tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân và công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát, thu thập thông tin... trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Về công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản QPPL trong lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành, năm 2023, HĐND đã ban hành các nghị quyết, UBND ban hành các quyết định quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; lao động, việc làm do HĐND, UBND tỉnh ban hành phù hợp với Luật Giá năm 2012, Bộ luật Lao động 2019, Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và điều kiện kinh tế -xã hội của địa phương.
Ông Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái |
UBND tỉnh Yên Bái đã quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và quy định của pháp luật về chính sách an sinh xã hội. Theo đó, các cơ quan thông tin và truyền thông, các ngành, các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và quy định của pháp luật về chính sách an sinh xã hội đối với người lao động trong lĩnh vực lao động và việc làm được tổ chức thực hiện thường xuyên, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các sở, ngành có liên quan đều cử công chức, viên chức tham gia lớp các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do các bộ, ngành Trung ương tổ chức; đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Để đảm bảo tốt các điều kiện thi hành pháp luật, tỉnh Yên Bái cũng quan tâm đến tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực giá, lao động và việc làm.
Theo báo cáo, năm 2023, kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực giá các mặt hàng thiết yếu của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực thời gian qua. Tình hình tuân thủ pháp luật được thực hiện tốt, cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền tổ chức thi hành pháp luật kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Nhìn chung, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành những quy định pháp luật của mọi tầng lớp Nhân dân, đảm bảo cho sự công bằng của xã hội và trật tự an ninh luôn ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương, UBND tỉnh Yên Bái cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định như: Số lượng công chức làm công tác nghiệp vụ và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực lao động và việc làm tại một số Sở chuyên môn còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; là tỉnh miền núi nên chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương nên kinh phí bảo đảm thực hiện công tác theo dõi tỉnh hình THPL nói chung và theo dõi tỉnh hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành nói chung còn hạn chế.
Qua nghe báo cáo của địa phương, các thành viên trong Đoàn công tác cũng có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm những thông tin để có một cách nhìn tổng quan về “bức tranh” thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan đã trao đổi, trả lời những ý kiến, vấn đề Đoàn công tác đặt ra. Từ đó, phát huy những lợi thế và khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc đang gặp phải.
Kịp thời rà soát, sửa đổi những văn bản còn sai sót, hết hiệu lực
Trao đổi với Đoàn công tác, ông Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về theo dõi thi hành pháp luật. Việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giá, lao động việc làm về cơ bản đã đạt được những kết quả ban đầu, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của địa phương. Đối với những ý kiến của đoàn công tác, Phó Chủ tịch giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các quận, huyện tiếp thu ý kiến của đoàn liên ngành đã nêu; tổ chức rà soát, hoàn thiện báo cáo của địa phương, trong đó lưu ý bổ sung các số liệu, tài liệu cụ thể, xác định thời điểm báo cáo thống nhất. Ông cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tham mưu, góp ý, xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực hoặc có văn bản quy pháp pháp luật quy định nội dung mới để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ công chức.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái; sự nỗ lực của Sở Tư pháp và những khó khăn, vướng mắc địa phương đã nêu cụ thể trong báo cáo. Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo, đôn đốc Sở Tư pháp và các đơn vị thực hiện ban hành và kịp thời tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Đối với báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh năm 2023, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa Báo cáo, trong đó bổ sung thêm các số liệu cụ thể, bóc tách các văn bản theo từng nội dung (các văn bản quy định chi tiết, các văn bản chỉ đạo điều hành; số liệu các cuộc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; đội ngũ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật), bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong lĩnh vực theo dõi trọng tâm liên ngành đã được chỉ ra nhưng chưa được nêu trong báo cáo. Thứ trưởng cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp trong theo dõi thi hành pháp luật. Nếu chưa có quy chế phối hợp thì cần nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Liên quan đến Công tác pháp chế, xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành Yên Bái tiếp tục quán triệt, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành VBQPPL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các cấp, các ngành, địa phương. Trong đó, tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, tập trung nguồn lực thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng VBQPPL. Tăng cường vai trò của cơ quan tư pháp trong công tác tham mưu thực hiện công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
Đặc biệt, cần tiếp tục xác định hoạt động thẩm định của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương. Với các văn bản tỉnh Yên Bái đã ban hành liên quan đến theo dõi THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, Thứ trưởng đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan rà soát thường xuyên để kịp thời xử lý các văn bản của HĐND, UBND, đặc biệt lưu ý tới các văn bản mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra trong cuộc họp, là những Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh mà căn cứ ban hành các nghị quyết này đã hết hiệu lực, có sai sót về mặt thể thức ban hành....
Tăng cường vai trò đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện của Sở Tư pháp và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; gắn kết chặt chẽ các hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL với công tác xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra để tăng cao hiệu quả tuân thủ và thi hành pháp luật.
Đoàn Kiểm tra ghi nhận các kiến nghị của đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong quá trình làm việc, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các kiến nghị của UBND đã nêu.
Tiếp thu ý kiến của Đoàn Công tác, ông Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cảm ơn sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương đã chia sẻ, góp ý và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương để từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. “Yên Bái cam kết phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại. Các đơn vị có liên quan nhanh chóng hoàn chỉnh nội dung của đơn vị mình gửi về Sở Tư pháp tổng hợp để có báo cáo hoàn chỉnh trình UBND tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, phối hợp của các cơ quan, ban ngành liên quan, tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành ở Yên Bái sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.