Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Mai Lương Khôi – Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, đồng chí Phan Huy Hiếu – Chánh văn phòng Tổng cục THADS. Về địa phương có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo THA tỉnh Tây Ninh, Cục trưởng THADS Võ Xuân Biên cùng toàn thể cán bộ, chấp hành viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Triển khai đồng bộ các mặt công tác
Báo cáo về tình hình công tác THADS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Phó Cục trưởng Trần Văn Cưng cho biết: ngay từ đầu năm 2020, Cục THADS đã chỉ đạo các Chi cục tập trung tổ chức THA; xây dựng kế hoạch công tác THADS năm 2020 trình Tổng cục phê duyệt đảm bảo. Đồng thời, chỉ đạo các Chi cục xây dựng kế hoạch công tác THADS năm 2020 trình UBND cùng cấp cho ý kiến và Cục THADS thẩm định, phê duyệt.
Trong năm 2020, Cục THADS và các Chi cục THADS cấp huyện đã quyết tâm kéo giảm lượng án tồn có điều kiện chuyển kỳ sau của năm 2020 so với năm 2019. Đến 30/9/2020, mặc dù số việc chuyển kỳ sau có giảm so với cùng kỳ (2.557 việc). Tuy nhiên, số việc chuyển kỳ sau vẫn còn cao (12.323 việc).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, cụ thể như các cơ quan THADS trong tỉnh thụ lý một lượng lớn án thuộc diện chủ động thu cho ngân sách Nhà nước (18.278 việc/28.163 việc phải thi hành, chiếm 64,9% số việc phải thi hành), nhưng người phải THA đang chấp hành hình phạt tù không có điều kiện thi hành hoặc bỏ địa phương không xác định được địa chỉ cư trú mới.
Một lượng án chủ động trả lại tài sản có giá trị nhỏ dưới 150.000 đồng, cơ quan THADS đã nhiều lần mời gọi nhưng người được thi hành án không đến nhận, hoặc không xác định được địa chỉ cư trú nên không thể kết thúc hồ sơ. Bên cạnh đó, theo báo cáo, tài sản là BĐS bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, tài sản của người phải THA chủ yếu là quyền sử dụng đất nhưng bị sai thửa, sai diện tích so với thực tế nên việc điều chỉnh phải có thời gian dài, dẫn đến hiệu quả THA trong các vụ án lớn chưa cao, lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau lớn.
Theo Phó Cục trưởng Cưng, trung bình mỗi chấp hành viên (kể cả CHV là lãnh đạo, quản lý) thụ lý hơn 385 việc/năm. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa có giải pháp đột phá trong tổ chức THA nên tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền đạt thấp. Nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, kéo dài nhiều năm chưa kết thúc, vụ việc Chấp hành viên có sai phạm... đã kéo dài thời gian THA.
Song song với hoạt động THADS, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả tốt. Trong năm 2020, Cục và Chi cục tiếp 281 lượt công dân (Cục 97 lượt, Chi cục 184 lượt). Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan THADS trong tỉnh là 83 đơn (79 đơn khiếu nại, 04 đơn tố cáo), tăng 13 đơn so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả đã giải quyết 83/83 đơn, đạt tỷ lệ 100%.
Trước nhiều khó khăn nhưng công tác THADS trong tỉnh luôn được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các ngành hữu quan nên cơ quan THADS hoàn thành nhiệm vụ, toàn tỉnh đạt, vượt 1,2% chỉ tiêu về giá trị. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ thì kết quả công tác đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, chỉ đạo giải quyết án, nhất là án tồn đọng, án trọng điểm, án tín dụng, ngân hàng… chưa thật sự hiệu quả.
Cũng theo Phó Cục trưởng Trần Văn Cưng, số lượng án chuyển kỳ sau giải quyết lớn. Kết quả thi hành xong chưa đạt chỉ tiêu về việc trong điều kiện số việc có điều kiện thi hành cao (chiếm 76,86%); kết quả thi hành xong giữa các đơn vị chưa đồng đều, còn đơn vị có kết quả thi hành xong rất thấp, về việc như: Chi cục THADS Tân Châu 64,49%, thành phố Tây Ninh 70,03%, huyện Gò Dầu 70,10%,...
Phân tích về nguyên nhân THA kéo dài, theo ông Cưng, nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá không có người mua, Chấp hành viên gặp khó khăn khi xử lý tài sản liên quan quyền sử dụng đất, đương sự khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá hoặc tài sản liên quan đến chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh những tồn tại về kết quả THA chưa đạt chỉ tiêu, tỉnh Tây Ninh có số lượng việc phải THA lớn nhưng hiện còn thiếu nhiều biên chế nên địa phương luôn trong tình trạng quá tải công việc. Một số Chi cục THADS cấp huyện khi trụ sở làm việc chật hẹp, xuống cấp, không có kho vật chứng đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công việc và bảo quản vật chứng. Công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt, một số trường hợp cơ quan Công an chưa kịp thời tham gia bảo vệ cưỡng chế giao tài sản nên không thể kết thúc hồ sơ thi hành án.
Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Báo cáo của Cục THADS, xuất phát từ việc một số lãnh đạo Chi cục chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, chưa thường xuyên kiểm tra sâu sát để đôn đốc, nhắc nhở Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ được giao..., dẫn tới việc Chấp hành viên phải thụ lý giải quyết lượng án quá lớn và ngược lại.
Mặt khác, trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của một số Chấp hành viên còn hạn chế, chưa tích cực chủ động trong công tác giải quyết án, nhất là giải quyết án tồn đọng, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của lãnh đạo. Đồng thời chưa tích cực học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật về THADS dẫn đến việc vận dụng trong thực tiễn còn lúng túng, sai sót, vụ việc chậm được thi hành dứt điểm.
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, lượng án thụ lý giải quyết rất cao, số tiền thụ lý mới tăng mạnh so với năm 2019 (tăng 171.624.245.000 đồng) trong khi biên chế công chức, đội ngũ Chấp hành viên còn có hạn nên luôn quá tải công việc. Tài sản bán đấu giá, nhất là bất động sản, thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất... giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua... là những nguyên nhân khách quan làm kéo dài thời gian kết thúc THA.
Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Mai Lương Khôi cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh uỷ, UBND các cấp và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban ngành liên quan tỉnh Tây Ninh đối với công tác THADS.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội nghị |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều thời cơ và thách thức mới. Đây là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Trước những thách thức đặt ra, đồng chí Mai Lương Khôi đề nghị Cục THADS tỉnh Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạt động THADS trên địa bàn. Tiếp theo là khẩn trương triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác THADS ngay từ những ngày đầu năm công tác, thực hiện nghiêm các nhóm nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2021.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, theo Thứ trưởng, là phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, quyết liệt, sâu sát hơn trong việc chỉ đạo, điều hành. Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, củng cố công tác tổ chức cán bộ, đội ngũ Chấp hành viên, Lãnh đạo các Chi cục đáp ứng về chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh công tác giải quyết THA, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị phải chú trọng công tác tiếp công dân , giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm chế độ thủ trưởng tiếp công dân định kỳ. Thực hiện tốt công tác vận động, giải thích, thuyết phục người dân trong tổ chức thi hành các vụ việc, “dân vận khéo” để kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc từ cơ sở, tránh kéo dài. Đặc biệt, ngành THADS chủ động bám sát, tranh thủ sự ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, chính quyền địa phương trong lãnh đạo tổ chức, triển khai công tác THADS trên địa bàn. Đề cao vai trò giám sát, kiểm sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhân dịp Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác THADS. Về phía Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với THADS Tây Ninh, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn.
|
Ông Võ Xuân Biên – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh - tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp. |
Trong lời đáp từ Thứ trưởng, Cục Trưởng Võ Xuân Biên đã cảm ơn sự quan tâm của Bộ Tư pháp và lãnh đạo tỉnh quan tâm giúp đỡ ngành THSDS tỉnh. Trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ngành THADS Tây Ninh kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao chất lượng, tỷ lệ THADS hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, phát huy và nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành có liên quan trong lĩnh vực THA dân sự.
Đồng thời Cục cũng kiến nghị với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS xem xét tăng biên chế cho những đơn vị có lượng án lớn thông qua tuyển dụng, điều động. Quan tâm cấp kinh phí xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng đối với các đơn vị trụ sở làm việc xuống cấp, chưa có kho vật chứng, kho tạm. Đối với UBND tỉnh, Cục đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường phối hợp công tác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS trong tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tình hình THADS tỉnh Tây Ninh năm 2020
Về số vụ việc: Tổng số bản án, quyết định đã nhận 18.211 bản án, quyết định;
+ Tổng số giải quyết: 28.518 việc, trong đó: Số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 11.418 việc; số thụ lý mới là 17.100 việc, tăng 201 việc (1,2%) so với năm 2019);
Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là 15.840 việc, giảm 720 việc (4,35%) so với năm 2019; đạt tỷ lệ 73,17%, giảm 0,85% so với năm 2019. Còn thiếu 6,83% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao.
Về số tiền:
Tổng số giải quyết là: 2.785 tỷ 015 triệu 533 nghìn đồng, trong đó: Số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 1.759.203.296 nghìn đồng; số thụ lý mới là 1.025.812.237.000 đồng, tăng 171.807.434.000 đồng (20,12%) so với năm 2019).
Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là 543.588.723 nghìn đồng, giảm 15.996.220 nghìn đồng (2,86%) so với năm 2019; đạt tỷ lệ 39,27% tăng 2,4% so với năm 2019, vượt so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là 1,27%.