Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Đợt dịch thứ tư tại phía Nam đã cơ bản được kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, vừa có cuộc trả lời báo chí về công tác phòng, chống dịch thời gian qua, cũng như trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2 từ trái qua) thăm và tặng quà một em nhỏ có người thân mất do COVID-19 tại TP HCM, ngày 20/9/2021.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2 từ trái qua) thăm và tặng quà một em nhỏ có người thân mất do COVID-19 tại TP HCM, ngày 20/9/2021.

- Tình hình dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đến thời điểm hiện nay được đánh giá như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Nhờ những nỗ lực chống dịch rất quyết liệt mà chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan, chấm dứt giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài ở khu vực này.

Có thể khẳng định, tới thời điểm này, đợt dịch thứ tư tại các tỉnh, thành phía Nam đã cơ bản được kiểm soát và chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả” dịch COVID-19. Điều này có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc COVID-19, mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng, nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn. Các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phải phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời. Các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Về phía người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K.

Lực lượng y tế chi viện đã rút dần khỏi các điểm nóng. Bộ Y tế đang phối hợp với chính quyền và ngành y tế các địa phương tiếp quản các cơ sở y tế được thiết lập trong thời gian qua, điều chỉnh quy mô cho phù hợp với bối cảnh dịch trong tình hình mới.

Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương không được coi nhẹ công tác phòng, chống dịch, bởi số ca nhiễm mới vẫn còn nhiều; phải tiếp tục tăng cường năng lực phòng, chống dịch của y tế địa phương nói riêng và của hệ thống chính trị nói chung, chủ động chuẩn bị mọi phương án phòng, chống dịch theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.

- Trong đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế đã hỗ trợ các địa phương phía Nam, đặc biệt là TP HCM về nhân lực, vật lực... như thế nào, thưa ông?

- Đợt dịch COVID-19 với biến chủng Delta có sức lây lan mạnh, đã gây ra những đợt bùng phát dịch ở cả miền Bắc (các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh) và miền Nam (TP HCM và 17 tỉnh, thành Đông và Nam Bộ), kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay.

Đây là đợt dịch chưa từng có tiền lệ, diễn ra trên quy mô rộng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bình thường của người dân, hoạt động kinh tế và sinh hoạt xã hội bị đình trệ (tính đến 13/10, đã có 849.638 người bị mắc COVID-19. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP HCM (413.835 ca), Bình Dương (223.476)… - NV).

Ngành y tế đã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc trong đợt dịch thứ 4 này, từ truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh… tới các hoạt động thu dung cách ly, chăm sóc người nhiễm, điều trị bệnh nhân và tiêm vaccine phòng COVID-19...

Vì phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ đòi hỏi phải tiến hành thần tốc trên diện rộng, nên đội ngũ nhân lực y tế tại chỗ của nhiều địa phương không thể đáp ứng được hết. Bộ Y tế đã huy động một lực lượng lớn cán bộ, nhân viên y tế từ các đơn vị mà Bộ và các địa phương quản lý đến các điểm nóng hỗ trợ các tỉnh, thành miền Nam chống dịch.

Tính đến 6/10, nhân lực của Bộ Y tế tham gia hỗ trợ cho TP HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện (riêng các đơn vị thuộc khối khám, chữa bệnh đã hỗ trợ hơn 8.400 cán bộ, bao gồm hơn 2.400 bác sĩ, hơn 4.500 điều dưỡng và hơn 1.300 cán bộ y tế khác). Tổng số lượng nhân lực y tế của các địa phương tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam là 3.847 nhân lực (trong đó có 877 bác sĩ, 1.745 điều dưỡng, 604 kỹ thuật y, 128 cán bộ y tế và 491 nhân lực tham gia lấy mẫu xét nghiệm).

Bộ Y tế đánh giá cao tinh thần xung phong tới tâm dịch của các thầy thuốc. Họ đã thể hiện rõ trách nhiệm, lòng quả cảm, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, thử thách vì sức khỏe của nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Y tế đã huy động số lượng lớn trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc men, trang phục bảo hộ, ưu tiên phân bổ vaccine tới các tỉnh, thành phía Nam, giúp các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch nhanh, đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, có 1.772 máy thở chức năng cao, 3.700 máy thở sản xuất trong nước, hơn 30 triệu sinh phẩm kháng nguyên nhanh, gần 200 triệu bơm kim tiêm, 15 triệu viên thuốc, 146 ô tô xét nghiệm, tiêm chủng lao động…

- Sự hỗ trợ này đã góp phần đem lại hiệu quả như thế nào trong công tác phòng, chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam?

- Nhân lực y tế đã tham gia vào mọi khâu của hoạt động phòng, chống dịch ở các tỉnh, thành. Các hoạt động truy vết, xét nghiệm đã phát hiện kịp thời các F0 để áp dụng cách ly, thu dung chăm sóc và điều trị phù hợp.

Đội ngũ nhân sự y tế chi viện cũng phối hợp địa phương triển khai thành lập các trạm y tế lưu động chủ động cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết cho người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội. Các trạm y tế lưu động đã thể hiện rõ tính hiệu quả trong quản lý chăm sóc F0 tại nhà, các cơ sở thu dung có quy mô nhỏ, phát các gói thuốc (trong đó có thuốc kháng virus), nhanh chóng phát hiện các ca có dấu hiệu trở nặng để kịp thời xử trí, góp phần giảm số ca tử vong.

Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến TƯ đã huy động hàng nghìn thầy thuốc tinh nhuệ và máy móc hiện đại thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực tại các điểm nóng để vừa trực tiếp cứu chữa các bệnh nhân nặng và nguy kịch, vừa thực hiện tập huấn, hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở điều trị tuyến quận, huyện, để kịp thời xử lý các ca chuyển nặng, tránh chuyển tuyến, giảm số lượng ca tử vong. Số ca nhiễm mới trên cả nước đã giảm hơn 60% so với thời kỳ cao điểm. Số ca tử vong cũng đã giảm mạnh.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm