Thứ trưởng Bộ Y tế: “Quản lý tiêm chủng không còn trên sổ sách mà phải bằng điện tử”

- Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ thay quản lý tiêm chủng trên sổ sách truyền thống bằng hệ thống điện tử, đây là bước đột phá của ngành Y tế khi chuyển sang quản lý bằng phần mền tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều.
Thứ trưởng Bộ Y tế: “Quản lý tiêm chủng không còn trên sổ sách mà phải bằng điện tử”
Thứ trưởng Bộ Y tế: “Quản lý tiêm chủng không còn trên sổ sách mà phải bằng điện tử” ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế

Mới đây, Bộ Y tế đã chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ ngày 1/6/2017. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia này do Viettel xây dựng cho Bộ  Y tế để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây không đơn thuần là một hệ thống CNTT, một phần mềm mà là cả hệ thống tiêm chủng kể từ hôm nay sẽ phải có những bước chuyển rất mạnh mẽ và rõ nét về chất lượng. Phó Thủ tướng kỳ vọng khi hệ thống được triển khai ứng dụng ở tất cả các trạm y tế, sẽ khắc phục được tình trạng người dân Việt Nam mỗi khi có bệnh mới đi khám và mỗi lần khám lại có một quyển sổ y bạ, không theo dõi được lịch sử bệnh tật của mình. Đồng thời, cũng khắc phục được việc mà toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có y tế cơ sở chưa làm được đó là theo dõi và quản lý tình hình sức khỏe của từng người dân trên địa bàn.

Trả lời ICTnews tại sự kiện này, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là bước đột phá khá lớn, bởi trước đây chúng ta vẫn có vấn đề về lập kế hoạch, rồi quản lý tiêm chủng vắc xin, rồi vấn đề về quản lý sau tiêm chủng trên sổ sách truyền thống nhưng bây giờ chúng ta sẽ triển khai hoàn toàn bằng hệ thống điện tử. Sẽ quản lý vắc xin bằng hệ thống điện tử, cho đến thực hiện buổi tiêm cũng bằng hệ thống điện tử. Tới đây, sẽ có hình ảnh buổi tiêm không có giấy tờ nào trên bàn nữa mà chỉ thực hiện qua hệ thống thiết bị điện tử, qua máy tính và quản lý sau tiêm chủng cũng như vậy.

“Khi tiến hành thiết kế cho phần mềm này thì chúng tôi tính đến cả những người có trình độ tin học rất thấp, người ta có thể sử dụng điện thoại thông minh thì có thể sử dụng phần mềm này. Phần mềm rất tiện ích, trên máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều dùng được. Và các động tác sử dụng rất là dễ. Bên chúng tôi xác định là những nhân viên y tế ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu vùng xa, thì người ta không thể có kiến thức nền tảng tin học như những nơi khác nên chúng tôi đã xây dựng phần mềm trên cơ sở như vậy”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Thanh Long còn nhấn mạnh: “Qua quá trình làm việc với Viettel, chúng tôi thấy rằng điều quan trọng nhất của những người làm kỹ thuật bên Viettel xây dựng hệ thống này là họ luôn biết lắng nghe. Ở đây không phải lắng nghe chúng tôi mà họ luôn lắng nghe cán bộ y tế cơ sở, lắng nghe ý kiến của những người trực tiếp sử dụng phần mềm này, từ đó họ sẽ có ý kiến phản hồi tốt nhất để xây dựng hệ thống. Thông thường cán bộ công nghệ thông tin nghĩ rằng người khác có trình độ tin học cao như mình, nhưng thực ra không phải vậy. Trong khi đó cán bộ y tế thì lại nghĩ rằng những người khác phải có kiến thức y khoa như mình. Nhưng ở đây hệ thống này là sự phối hợp hài hòa giữa 2 bên đã tạo ra sự thành công của sản phẩm. Nếu không có Viettel chúng tôi vẫn sẽ phát triển phần mềm rất hoàn hảo, nhưng người ta không sử dụng được vì đòi hỏi quá cao về mặt kỹ thuật. Qua quá trình phối hợp chúng tôi cùng với Viettel đã phát triển phần mềm này vừa dễ sử dụng, vừa tiện ích, đó là điều quan trọng”.

 Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng đây chỉ là khởi đầu để Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng CNTT, vậy Bộ Y tế sẽ triển khai chỉ đạo này như thế nào? Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, việc làm đầu tiên là phần mềm này phải được triển khai trên phạm vi toàn quốc, kết thúc việc sử dụng giấy truyền thống. Hiện nay, việc quản lý tiêm chủng ở tuyến cơ sở đang có 12 quyển sổ theo dõi, nhưng một năm tới chúng tôi đưa ra lộ trình là phải không còn quyển sổ nào nữa mà phải dùng phần mềm hết. Để thực hiện được điều này rất khó khăn, nhưng đó là Phó Thủ tướng yêu cầu, và đó là thời gian chậm nhất mà Bộ Y tế phải thực hiện.

Ông Long cho biết, là trên cơ sở phần mềm này sẽ có những phần mềm tích hợp, ví dụ như ngay trong phần mềm này đã có đó là theo dõi dinh dưỡng của trẻ, theo dõi dinh dưỡng trong suốt cả cuộc đời thời thơ ấu. Hiện Việt Nam có tới 22 triệu học sinh và Bộ Y tế sẽ phải quản lý sức khỏe học sinh này bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Sắp tới hệ thống sẽ tích hợp cả quản lý sức khỏe cá nhân, khi mà chúng ta có những phần mềm dịch vụ y tế cơ bản thì phần mềm này liên kết phần mềm kia tạo ra cơ sở dữ liệu như vậy.

Đọc thêm