- Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị Triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Ngày 20/6/2020 Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Để tổ chức thực hiện Kết luận số 80-KL/TW đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận. Kế hoạch đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Ban Bí thư đánh giá: Mặc dù công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phương thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, việc sử dụng nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật hiệu quả. Sự phối hợp giữa công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật chưa chặt chẽ. Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế.
Do đó, để triển khai có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục những tồn tại, hạn chế được Ban Bí thư nhận diện như đã nêu ở trên; đồng thời phát hiện, đánh giá, từ đó đề xuất nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về công tác PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL đã tham mưu, đề xuất Hội đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương”.
- Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp đổi mới quan trọng trong công tác PBGDPL được Ban Bí thư nêu tại Kết luận số 80-KL/TW và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Kết luận số 80-KL/TW ra đời là kim chỉ nam định hướng triển khai công tác PBGDPL trong giai đoạn mới. Cụ thể, Ban Bí thư yêu cầu công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc thực chất, hiệu quả của mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, tổ chức.
Về mục tiêu, công tác PBGDPL cần hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân, đây cũng là tiêu chí đánh giá kết quả công tác PBGDPL. Trong tổ chức thực hiện, cần lấy người dân làm trung tâm, theo đó, nội dung PBGDPL cần đầy đủ, toàn diện, vừa bảo đảm cập nhật các văn bản mới ban hành, vừa giúp giải đáp được các vấn đề pháp luật cụ thể cần áp dụng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh; đổi mới hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; phát huy trách nhiệm thực hiện, chấp hành, tuân thủ pháp luật một cách chủ động với tinh thần nêu gương của cán bộ, Đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; vận dụng hiệu quả kỹ năng dân vận khéo trong công tác PBGDPL; đồng thời, huy động tối đa nguồn lực trong xã hội tham gia công tác này, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Vậy để công tác PBGDPL đổi mới theo nội dung, tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg, phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức thực hiện. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Trong thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động PBGDPL thuộc phạm vi, lĩnh vực do mình quản lý theo quy định của Luật PBGDPL; đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển khai các chương trình, đề án và kế hoạch của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu triển khai công tác này theo Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và phối hợp hiệu quả trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, đề nghị chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau đây: (1) Các ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương cần coi công tác PBGDPL là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình và căn cứ vào nội dung Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp để tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện và bảo đảm bố trí kinh phí cần thiết để triển khai hoạt động PBGDPL; (2) Bên cạnh triển khai PBGDPL theo các hình thức, phương thức truyền thống, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp với ngành tư pháp thực hiện số hóa công tác PBGDPL để tạo kênh phổ biến, tuyên truyền mới, tiết kiệm, hiệu quả, trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn cho công tác PBGDPL; (3) Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung, phương thức thực hiện công tác PBGDPL, đáp ứng nhu cầu tổ chức thi hành pháp luật và tạo dựng, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật của nhân dân ở mọi vùng miền trong cả nước. Trong đó, việc xây dựng, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện công tác PBGDPL trong phạm vi toàn quốc là giải pháp quan trọng thực hiện hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg.
- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!