Sứ mệnh chính của Diễn đàn là phát triển ý tưởng hiện đại hóa pháp luật trong điều kiện toàn cầu hóa với rất nhiều thay đổi trong đó, cần tăng cường tương tác giữa các hệ thống pháp luật và xây dựng những quan điểm thống nhất trong giải quyết các vấn đề về phát triển pháp luật trong điều kiện toàn cầu hóa.
Diễn đàn pháp lý quốc tế Xanh Pê-téc-bua lần thứ 6 năm 2016 có chủ đề “Niềm tin vào pháp luật – Cơ chế giải quyết khủng hoảng toàn cầu” với sự tham gia của hơn 3000 đại biểu đến từ các cơ quan của Chỉnh phủ, Tòa án, các tập đoàn kinh tế, các hãng luật, các tổ chức hành nghề tư pháp, các cơ sở đào tạo của quốc gia trên thế giới, trong đó có đại diện cấp cao của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp các nước Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy sĩ, Hungari, Pháp, Mỹ, Anh, Bỉ, Đức, Canada, Ca-dắc-xtan, Ác-me-nia, Ta-di-ki-xtan, Nam Phi, Thái Lan, Xri-lan-ca, Hà Lan, Lucxambua, Nhật, Chile, Brazil, Ấn độ, Nauy; đại diện lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc, UNIDROIT, Interpol, Hội Luật quốc tế, Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế...
Diễn đàn năm nay có chủ đề "Niềm tin vào pháp luật - Cơ chế giải quyết khủng hoảng toàn cầu" |
Thủ tướng Liên bang Nga Dmitri A. Medvedev đã khai mạc và chủ trì phiên họp toàn thể của Diễn đàn với chủ đề “Niềm tin vào pháp luật – Cơ chế giải quyết khủng hoảng toàn cầu”. Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã giới thiệu sứ mệnh của Diễn đàn lần thứ 6 là “thúc đẩy các ý tưởng nhằm thay đổi và hiện đại hóa hệ thống pháp luật trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng và nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các luật sư đến từ các quốc gia khác nhau thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia các buổi thảo luận của Diễn đàn |
Trên cơ sở sự hiểu biết lẫn nhau được tăng cường, niềm tin vào pháp luật sẽ được xây dựng và củng cố”. Thủ tướng Liên bang Nga nhấn mạnh, niềm tin vào pháp luật là cơ sở cho sự ổn định và nền kinh tế hiện đại toàn cầu, do đó, mọi hoạt động pháp lý, quyết định hay quan điểm pháp lý được đưa ra đều cần phải tuân thủ một loạt các nguyên tắc cơ bản bao gồm: bảo vệ quyền con người, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị dưới góc độ pháp luật, đặt niềm tin vào các cơ quan thi hành pháp luật, rà soát các quy định của các cơ quan nhà nước và cơ cấu của các tổ chức phi chính phủ.
Ngoài các phiên họp toàn thể, Chương trình Diễn đàn lần thứ 6 có các phiên thảo luận với nhiều nhóm chủ đề thiết thực, mang tính thời sự và có tính xuyên suốt từ pháp luật trong nước đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, có tính chuyên môn sâu, thực sự hữu ích đối với giới luật gia quốc tế không chỉ về lý luận mà còn cả về thực tiễn giải quyết các tình huống phát sinh khi áp dụng luật quốc tế hiện đại như "pháp luật tư", "Công nghiệp/ thương mại/ bảo vệ cạnh tranh"; "thực tiễn tranh tụng và trọng tài", "xã hội thông minh", "đầu tư/ tài chính", ' Pháp luật quốc tế/ an ninh/ pháp quyền", "môi trường/ tài nguyên", "nghề luật". Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều cuộc hội thảo quốc tế cũng đã được tổ chức.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tích cực tham dự một số phiên thảo luận của Diễn đàn với các nội dung liên quan nhiều đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp như: "Các thiết chế tư pháp hiện đại: thách thức và triển vọng"; "Thương mại không biên giới và mội trường đầu tư cho phát triển toàn cầu"; "kỹ năng liên kết trong bối cảnh toàn cầu hóa"; "Luật sư với truyền thông xã hội: quy định và nhận thức chung"; "Bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong bối cảnh những nguyên tắc chỉ đạo của Liên hợp quốc"; "Xét xử điện tử tại Italia"; "Các quy định của liên minh kinh tế Á Âu: vai trò của khung pháp luật quốc gia"; "Mô hình tổ chức của chính quyền địa phương và khu vực: thực tiễn quản lý hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế"; "Quá trình phát triển Hiến pháp của Liên bang Nga: những vấn đề cơ bản"; "Những nét tương đồng trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các nước vùng Ban tích"; "Ảnh hưởng của phát triển kinh tế đối với kinh doanh tại Liên bang Nga"; "Những thách thức hiện nay đối với các nghề tư pháp của Liên bang Nga và toàn cầu"; "Giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án: phương thức phù hợp từ kinh nghiệm của Singapore"; "Sự phát triển của môi trường thể chế đối với quyền tác giả"; "Phát triển liên doanh tại Nga: các cơ hội mới; bồi hoàn thiệt hại hợp đồng trong thực tiễn trọng tài"; "Tội phạm công nghệ cao trong Thị trường hiện đại"; "Niềm tin vào hệ thống tư pháp của nước ngoài: cách vận hành và lý do của sự tin cậy"; "Trọng tài thương mại quốc tế: thành tựu và cải cách"; "Thực tiễn áp dụng Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt giữ trẻ em trái pháp luật"; "Cải cách Trọng tài: phù hợp với nền tư pháp của Liên bang Nga?"; "Thẩm quyền và chuyên môn của hoạt động giám định pháp y: bản chất và giới hạn; những điểm tương đồng và khác biệt"; "Mô hình hoạt động của Hiệp hội luật sư toàn quốc"; "Phát triển một hãng luật: từ một công ty nhỏ thành một tập đoàn lớn"; "Chức năng lập pháp và xây dựng Nhà nước"; "kinh nghiệm quốc tế về công tác đào tạo pháp luật"; "Vai trò của luật sư tham gia vào giới truyền thông xã hội"; "nâng cao kĩ năng làm việc theo nhóm và xây dựng hệ thống mạng lưới cho các cán bộ pháp lý"; "mô hình tổ chức chính quyền địa phương – thực tiễn quản lý và bài học thành công phục vụ sự phát triển nền kinh tế"...
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiễn Dũng cũng có các buổi làm việc song phương |
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng có các buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Tư pháp Áo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nga, Tổng Thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Lãnh đạo Học viện pháp luật Matxcoa (MGUA) mang tên Kutafin, Trường đại học tổng hợp quốc gia Xanh Pe tec bua; Thứ trưởng và Đoàn công tác cũng có nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị để thúc đẩy hợp tác pháp luật với Việt Nam. Chi tiết về kết quả các buổi làm việc song phương bên lề Hội nghị sẽ được Vụ HTQT tiếp tục cập nhật từ Xanh Petecbua.