Thủ tướng: Cần tái cấu trúc tổng thể Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Sáng 11/11, trong chương trình công tác tại Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thủ tướng ghi nhận Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nỗ lực, vận hành nhà máy, sản xuất, cung ứng khoảng 37 triệu tấn sản phẩm các loại cho thị trường trong nước và xuất khẩu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh do 4 doanh nghiệp góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Với tổng mức vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam; đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018. Nhà máy có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm với nguồn dầu thô từ Kuwait, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Ngày 13/10 vừa qua, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành, hoạt động trở lại sau khi hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể, vượt tiến độ 7 ngày so với kế hoạch 55 ngày.

Tuy nhiên, hoạt động của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang gặp nút thắt lớn khi được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, hạ tầng, bao tiêu sản phẩm, PVN phải bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.

Sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến, phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, điện và xăng dầu là những yếu tố rất quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Chuyến thăm, làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm nắm tình hình, động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia những năm tới đây. Mặt khác, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng là biểu tượng của hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác Nhật Bản và Kuwait.

Thủ tướng ghi nhận Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nỗ lực, vận hành nhà máy, sản xuất, cung ứng khoảng 37 triệu tấn sản phẩm các loại cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo đảm cung cầu xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp với 3/4 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hình thành trung tâm Lọc hóa dầu lớn của Việt Nam. Tổng thuế đã nộp ngân sách nhà nước đến nay là 85.236 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu là 60.417 tỷ đồng, thuế nhà thầu nước ngoài là 3.194 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 591 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường là 1.364 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 19.667 tỷ đồng.

Thủ tướng đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục vận hành Nhà máy bảo đảm an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý liên quan tới dự án. Trong đó, tổng số vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là 4,237 tỷ USD; còn vốn vay giải ngân từ ngân hàng là 4,543 tỷ USD, tức là chiếm tỉ lệ lớn với lãi suất cao.

Về quản trị, Công ty và Nhà máy hoạt động theo hợp đồng liên doanh và điều lệ liên doanh, bao gồm Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc chủ yếu là người Nhật Bản và Kuwait.

Dự án được hưởng ưu đãi về hạ tầng (rà phá bom mìn, san lấp cơ bản, nạo vét lần dầu, đền bù di dân, hạ tầng tái định cư…) bằng vốn ngân sách và PVN ứng trước, tổng số tiền PVN đã ứng trước để thực hiện các hạng mục hạ tầng dự án là 3.778 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2023, Công ty đã chế biến khoảng 45,3 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 36,82 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó 10 tháng đầu năm 2023, sản xuất được 5,9 triệu tấn sản phẩm các loại (đạt 83% kế hoạch năm). Tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu PVN đã bao tiêu khoảng 27,74 triệu tấn.

Theo báo cáo về tình hình tài chính (đã kiểm toán), Công ty vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua (nhất là 2023) có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể.

Thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao Chính phủ, nhân dân các nước Nhật Bản và Kuwait trong thiện chí thành lập liên doanh, vận hành nhà máy. Tuy nhiên, khi lập, triển khai và vận hành dự án, các bên đã không dự báo được hết những khó khăn có thể xảy ra, đặc biệt là những biến động gần đây của tình hình thế giới.

Các nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn gồm nguyên nhân khách quan như thị trường thay đổi bất lợi, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu dẫn tới biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh, doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng ban đầu; các nguyên nhân về chủ quan là việc quản trị, điều hành Nhà máy với nhân sự chủ chốt nước ngoài có nhiều bất cập, nhà máy hoạt động chưa ổn định và tối ưu về chi phí.

Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có những điều chỉnh phù hợp tình hình với các giải pháp phải cả ở cấp Chính phủ và cấp kỹ thuật. Gần đây, Thủ tướng đã các cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Kuwait và sẽ tiếp tục trao đổi với lãnh đạo các nước này về các giải pháp xử lý các vấn đề liên quan tới Nhà máy lọc hóa dầu Nghị Sơn trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng tặng quà cho cán bộ, người lao động tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trò chuyện với cán bộ, người lao động tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ 3 nội dung tái cấu trúc với dự án này.

Thứ nhất, Công ty và các bên góp vốn phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương thực hiện công tác tái cấu trúc công tác quản trị, nhân sự (có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Công ty, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát).

Cùng với đó, các bên liên quan tiến hành tái cấu trúc về tài chính (như giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả).

Vấn đề thứ ba là tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh (sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí).

Thủ tướng đề nghị Công ty tiếp tục vận hành Nhà máy bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường; sản xuất, cung ứng đầy đủ nguồn xăng dầu theo đúng kế hoạch đã đăng ký với Bộ Công Thương phục vụ cho thị trường nội địa, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho dự án hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả; bảo đảm nguồn cung xăng dầu và cân đối cung cầu xăng dầu trong nước.

Phát biểu sau đó, Tổng Giám đốc Công ty, ông So Hasegawa (người Nhật Bản) thừa nhận những vấn đề Thủ tướng phân tích liên quan tới nguồn tài chính, quản trị và sản xuất, cho biết sẽ phối hợp với các bên và các cơ quan chức năng của các nước để triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ ra, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cải thiện tình hình trong những năm tới.

Về phần mình, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết sẽ triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng.

Đọc thêm