Thủ tướng chỉ đạo vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”

 

Thủ tướng Chính tuần ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động được Bộ Chính trị phát động không chỉ là một giải pháp mang tính chất tình thế, ngắn hạn mà có ý nghĩa cơ bản, lâu dài với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam...

Thủ tướng Chính tuần qua ký, ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cuộc vận động được Bộ Chính trị phát động vào cuối năm 2009 không chỉ là một giải pháp mang tính chất tình thế, ngắn hạn mà có ý nghĩa cơ bản, lâu dài với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam,  nhanh chóng trở thành phong trào mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng trên cả nước.

Hàng Việt đang ngày càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trong nước
Hàng Việt đang ngày càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trong nước
80% người Việt dùng hàng Việt
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau 3 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước. Tại các hệ thống siêu thị, hàng Việt Nam đã chiếm đến 90-95% trên tổng hàng hoá. Đại diện các DN phân phối nước ngoài như BigC, Metro… cũng chia sẻ, hàng Việt Nam đã được ưu tiên bày bán tại các vị trí “đẹp” trong siêu thị, để vừa với tầm mắt và tầm tay của người tiêu dùng, giúp họ dễ nhìn và dễ thấy hơn, không như trước đây, những vị trí này chỉ dành cho những mặt hàng nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trước đây chỉ có 28% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt thì năm 2010 tỷ lệ đó đã lên trên 50%. Sau 2 năm triển khai Cuộc vận động, 90% người tiêu dùng tại TP.HCM lựa chọn hàng Việt, TP.Hà Nội là 83%. 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình - Trưởng ban thường trực Cuộc vận động của trung ương - khẳng định: Cái được lớn nhất sau 3 năm triển khai Cuộc vận động là đã thay đổi được nhận thức, và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất.
Bà con nhân dân, cán bộ đảng viên đã nhận thức được lợi ích của việc sử dụng hàng Việt Nam. Điều đó vừa là thể hiện lòng yêu nước, vừa tạo điều kiện để chúng ta mở rộng sản xuất kinh doanh, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Các DN thì có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình sao cho đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong nước.
Định kỳ tổ chức tuần lễ hàng Việt
Tuy nhiên, mặc dù hàng Việt đã được người tiêu dùng quan tâm hơn, tỉ lệ bày bán trên tổng lượng hàng tại nhiều siêu thị ở mức 80-90%, nhưng trên thực tế kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại...) hiện mới chiếm 20-24% tổng thị trường bán lẻ trong nước. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam, chủ thương hiệu Fivimart – lý giải, nguyên nhân khiến hàng Việt vẫn chưa chiếm lĩnh được các siêu thị bởi các nhà sản xuất thường tự chọn đại lý cấp 1, cấp 2; các siêu thị cũng phải mua qua các đại lý này khiến giá bị đẩy lên cao. 
Bên cạnh đó, ông Trình cũng thừa nhận, tâm lý sính ngoại vẫn còn khá phổ biến, trong đó không loại trừ cả cán bộ, đảng viên, người đứng đầu… Hay theo Trưởng ban Thị trường trong nước (Tập đoàn Dệt May Việt Nam) Nguyễn Thị Hồng Tín, người tiêu dùng nông thôn vẫn chưa có thói quen sử dụng hàng Việt Nam.
“Mỗi lần đi về các vùng nông thôn, thấy hàng dệt may Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, màu sắc phù hợp, và giá rất rẻ bày bán tràn lan, và được người dân ưa chuộng là tôi lại cảm thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, cũng không thể trách người tiêu dùng được, vì yêu nước, yêu hàng Việt Nam nhưng nếu hàng Việt Nam không đáp ứng đủ các tiêu chí về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, màu sắc thì họ cũng không thể sử dụng sản phẩm được” – bà Tín tâm sự…
Chỉ thị 24 của Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động . Do đó, để tiếp tục tăng cường việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam; đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, cổ động về cuộc vận động bằng các hình thức, nội dung phù hợp tại các địa điểm công cộng, trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bộ Công thương được giao chủ trì nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2013.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên kết triển khai Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến” (website: www.tuhaohangvietnam.vn); phối hợp với các đơn vị liên quan, các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam như "Ngày hàng Việt", "Tuần hàng Việt", "Tháng hàng Việt"…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu định kỳ hàng năm Bộ Công Thương phải phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tuần lễ hàng Việt trên địa bàn cả nước.
Thục Quyên

Đọc thêm