Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh và Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư và 63 điểm cầu trực tuyến tại các địa phương.
Đổi mới tư duy về thể chế
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đã được triển khai như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, môi trường, đất đai; tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; nghiên cứu, nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Với quyết tâm đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở cả khía cạnh xây dựng và thi hành pháp luật. Điều này đã được đánh giá rất đầy đủ trong Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và các Nghị quyết quan trọng khác, đã được tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tuy vậy, công tác này vẫn còn bất cập, vướng mắc như chi phí tuân thủ pháp luật còn cao; chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của một số VBQPPL; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân còn kém…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, chúng ta đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị tích cực cho giai đoạn tới. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu, không chỉ làm thay đổi phương thức sản xuất, thói quen, cách thức đầu tư kinh doanh, sử dụng nguồn lực... mà còn làm thay đổi cách thức tư duy xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật. Thời gian tới, để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, thì nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chúng ta chính là công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Để tiếp tục đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII và chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng và vô cùng thiết thực. Theo Phó Thủ tướng, đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới tư duy về thể chế phải đi tiên phong, bảo đảm thể chế phải thực sự là nền tảng là động lực đẩy mạnh đổi mới, phát triển đất nước, cải cách và tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh.
Để hội nghị đạt được kết quả cao, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các tham luận, ý kiến cần đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể, đặc biệt là hiến kế để thiết kế được khung pháp lý, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp, phù hợp xu thế tiến bộ của thế giới và yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu báo cáo tại Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản.
Công tác thi hành pháp luật đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn. Việc kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe, thảo luận về các vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng, thi hành pháp luật…
Chống “tham nhũng chính sách”
Kết luận hội nghị, nhắc đến tác phẩm "Tại sao các quốc gia thất bại?" với câu nói "thể chế, thể chế và thể chế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với mỗi quốc gia, thành công hay không ở chỗ bước đột phá xây dựng pháp luật. Do đó, hội nghị cần nâng cao nhận thức về xây dựng pháp luật để có hành động mạnh mẽ hơn khi đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội và Chính phủ coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ bắt buộc, nhiệm vụ trung tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với mỗi quốc gia, thành công hay không ở bước đột phá xây dựng pháp luật. |
Cơ bản đồng tình, thống nhất với báo cáo của Bộ Tư pháp cũng như tham luận của đại diện các bộ ngành về kết quả xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng các dự án Luật để trình Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, sau khi Chính phủ đã thông qua.
“Xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững, như việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, chúng ta duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19. Sự phối hợp tốt giữa Quốc hội, Chính phủ trong thực thi pháp luật giúp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo tăng nhiều bậc”, Thủ tướng nêu rõ.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời dự án luật ngắn, đặc biệt thể chế kinh tế còn nhiều vấn đề. Việc tổng kết đánh giá tác động luật còn hạn chế; tình trạng xin lùi, xin rút và văn bản ban hành trái pháp luật vẫn còn. Công tác phối hợp trong thi hành pháp luật chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ cương trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật. “Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng. Chúng ta cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò "nhạc trưởng", “người gác cổng tin cậy” về mặt pháp luật, tham mưu đề xuất Chính phủ trong việc xây dựng các dự án Luật, hoàn thiện quy trình xây dựng hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, trách nhiệm hơn với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội nâng cao hơn nữa tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật.
“Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống”, Thủ tướng yêu cầu.