Thủ tướng đề nghị tỉnh Long An đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế

(PLO) -Chiều 24/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về tình hình kinh tế - xã hội và xử lý một số các kiến nghị của địa phương thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả khá toàn diện mà Long An đạt được trên các lĩnh vực thời gian qua. Cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực; hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư; cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giảm nghèo cũng có những chuyển biến tích cực; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Long An tiếp tục phát huy truyền thống, những thành tựu đạt được; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế kề cận thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục bứt phá vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là phải nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2015 và cho Kế hoạch 5 năm (2011-2015); đồng thời chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho chặng đường 5 năm tới (2016-2020) trên các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Ảnh VOV
 Ảnh VOV

Với yêu cầu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Long An tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ vì hiện nay tỷ trọng nông nghiệp chiếm 25% trong cơ cấu kinh tế và có tới 55% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp là còn cao; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cụm, khu công nghiệp. “Đưa công nghiệp, dịch vụ về địa bàn nông thôn để chuyển dịch lao động; tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất để tiến đến sản xuất lớn. Chỉ có như vậy mới chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động và thu nhập của người dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh, độ ổn định và bền vững của các sản phẩm hàng nông nghiệp chủ lực. Tập trung vào phát triển nông nghiệp chất lượng cao và giá trị cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm. Để làm được điều đó, chính quyền cần tập trung lo định hướng, quy hoạch, xây dựng hạ tầng và tạo điều kiện để người dân sản xuất, kinh doanh. “Tỉnh cần tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, làm ăn. Không nên giữ quan điểm cũ là nhà nước, chính quyền làm hộ dân, thay dân. Làm kinh tế là phải người dân, phải toàn dân, dân mà không làm là thua” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Long An quan tâm và tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành xây dựng cụm tuyến dân cư, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; triển khai hiệu quả hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; cải cách hành chính, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Một dây chuyền sản xuất trong KCN tỉnh Long An
Một dây chuyền sản xuất trong KCN tỉnh Long An 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo một số Bộ, ngành cũng xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Long An liên quan đến chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa; việc bố trí, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm trên địa bàn.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2014 của Long An đạt 11,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ sang công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp. 
Đến năm 2014, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 41,5%; khu vực thương mại-dịch vụ chiếm 31,2%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 27,3%. Dự kiến đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Tuy nhiên, so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ có 16 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt; 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là chỉ tiêu về tăng trưởng, chỉ tiêu về vốn đầu tư toàn xã hội và chỉ tiêu xuất khẩu… 
Bên cạnh đó, Long An cũng còn nhiều khó khăn, nổi lên là ngành nông nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa ổn định; tăng trưởng công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém./.

Đọc thêm