Trong khuôn khổ chủ đề và nghị sự của G7 năm 2018 tổ chức tại vùng Charlevoix, bang Québec dưới sự chủ trì và điều phối của Canada, nội dung của Hội nghị G7 mở rộng đặt trọng tâm vào vấn đề biển và đại dương.
Hội nghị đánh giá vấn đề ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển; kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương hướng tới mục tiêu đại dương xanh và hành tinh xanh.
Tại Hội nghị, hầu hết các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21), chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và biện pháp tăng cường năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế giải quyết các vấn đề biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, chống xói mòn bờ biển và nước biển dâng, hình thành các cơ chế hợp tác và chuẩn mực quốc tế chung về chống rác thải nhựa, chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tăng cường quản lý và bảo tồn sinh thái biển, phát triển cơ sở hạ tầng biển, bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển…
Hội nghị ủng hộ sáng kiến của Canada về tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa ra đại dương và thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng đề xuất một số sáng kiến
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ nước chủ nhà Canada dành trọng tâm nội dung nghị sự của Hội nghị G7 mở rộng năm nay tập trung vào chủ đề biển và đại dương; hoan nghênh các nước G7 đã thể hiện quyết tâm và tinh thần hợp tác để cùng tìm giải pháp thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu; đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn Hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực cho thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong. Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam về thực hiện nghiêm túc cắt giảm phát khí thải theo Thỏa thuận COP 21; đề nghị các nước G7 và quốc tế tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm nâng cao năng lực giám sát và thích ứng với biến đổi khí hậu, chống nước biển dâng và xâm nhập mặn cũng như quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước hạ lưu sông Mekong.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, với quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này.
Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
Thủ tướng cũng cho biết tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 6/2018, Việt Nam đề xuất Dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa và được GEF hoan nghênh, hợp tác triển khai.
Bên cạnh đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh mục tiêu đại dương xanh chỉ có thể đạt được khi môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác được gìn giữ và lan tỏa trên các đại dương.
Thủ tướng hoan nghênh các nước G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, theo đó cần tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nước chủ nhà Canada và nhiều nước tham dự Hội nghị đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến do Việt Nam đề xuất cũng như lập trường của ASEAN về Biển Đông.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc, khó lường. Đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất của G7 trong năm 2018 với sự tham dự của Tổng thống, Thủ tướng các nước G7, Liên minh châu Âu, 12 nước khách mời, Tổng Thư ký LHQ, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Đây là lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Cùng với lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016 tại Nhật Bản và Hội nghị G20 năm 2017 tại Đức, việc Việt Nam được mời dự Hội nghị G7 mở rộng năm 2018 cho thấy quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề quan tâm chung của thế giới và khu vực.