Trong đó, ngày 15/9, mở 4 đường bay tới Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản). Ngày 22/9 sẽ mở đường bay Lào, Campuchia. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, 2 bên đã đàm phán để có sự tương đồng với nhau, trên cơ sở có đi có lại. Các nước đều đề nghị nối chuyến.
Do vậy, Chính phủ tính đến phương án mở lại một số đường bay với các khu vực kiểm soát dịch Covid-19 tốt, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Các biện pháp kiểm soát sẽ được nới lỏng hơn một bước. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đối tượng được ưu tiên trong các chuyến bay này là chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam có nhu cầu trở về nước.
Theo dự kiến của Bộ Giao thông Vận tải, lượng người nhập cảnh mỗi tuần khoảng 5.000 người. Số người nhập cảnh từ các nước này dần dần sẽ ít đi, vì chuyên gia và nhà đầu tư không sang đồng loạt, nhưng số người ở nước thứ ba (từ Mỹ, châu Âu) về sẽ đông hơn. “Hiện Chính phủ chưa tính đến việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà chỉ ưu tiên các chuyên gia, nhà đầu tư và người Việt Nam muốn về nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Về việc cách ly với người nhập cảnh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ tính toán rút ngắn thời gian cách ly với chuyên gia, nhà đầu tư và hành khách bay từ những nước được đánh giá an toàn. Nếu cách ly 14 ngày thì cả phi công, tiếp viên cũng phải cách ly 14 ngày. Với nhà đầu tư, việc cách ly kéo dài như vậy không thuận tiện. Do đó, Chính phủ dự kiến rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 5-7 ngày. Tuy nhiên, những hành khách bay từ nước thứ 3 khi về Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.