Thay đổi thói quen du lịch sau đại dịch

(PLVN) - Không thể phủ nhận, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những tiêu chuẩn mới hoàn toàn cho ngành du lịch so với trước đây. Ngay cả khi vắc-xin được tạo ra thì nỗi ám ảnh của dịch bệnh đã thay đổi nhận thức và hành vi của du khách trên toàn thế giới. 
Tâm lý chung của du khách là ngại đi du lịch khi bệnh dịch.
Tâm lý chung của du khách là ngại đi du lịch khi bệnh dịch.

Xuất hiện những tiêu chuẩn mới 

Ngay đầu tháng 8/2020, chính phủ Nhật Bản tung những gói kích thích du kịch như “Go Travel” với nhiều sự kiện, lễ hội hấp dẫn để phục hồi nền kinh tế. Thế nhưng, số ca nhiễm mới tăng mạnh khi chính phủ Nhật vừa nới lỏng giám sát khiến người dân ngay lập tức “chùn bước”. Nói cách khác, kể cả khi được chính phủ hỗ trợ tiền đi du lịch, người dân cũng không dám đi. 

Điều tương tự cũng đang xảy ra với du lịch quốc tế khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng chính sách nhập cảnh cho người nước ngoài. Đơn cử, đảo Maldives (Ấn Độ) đã bắt đầu mở cửa với du khách quốc tế từ tháng 7/2020; còn tại thành phố Dubai (các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) đã bắt đầu tổ chức các sự kiện tụ tập đông người như lễ cưới, lễ hội âm nhạc ngoài trời… Tất nhiên, người tham gia các hoạt động cộng đồng đều phải tuân thủ các yêu cầu về giãn cách xã hội, an toàn vệ sinh. 

Có thể thấy, tại những quốc gia đã mở cửa cho người nước ngoài, yêu cầu khai báo y tế và hành trình là bắt buộc mặc dù quy trình và thời gian cách ly có thể khác nhau ở mỗi nước. Kể cả khi vắc-xin được sản xuất và phân phối thì du khách có thể sẽ phải chứng mình rằng mình đã được tiêm vắc-xin để đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn nhập cảnh.

Quy trình kiểm tra sức khoẻ là bắt buộc trong thủ tục xuất nhập cảnh.
Quy trình kiểm tra sức khoẻ là bắt buộc trong thủ tục xuất nhập cảnh.  

Thay vì du lịch một cách vô lo vô nghĩ, du khách sẽ phải tìm hiểu trước về những khuyến cáo bắt buộc trong công tác phòng chống dịch bệnh tại điểm đến. Một số quốc gia còn yêu cầu du khách phải tải ứng dụng theo dõi sức khoẻ ví như COVIDSafe của Úc. Đồng thời, các quy trình kiểm tra sức khoẻ ngay tại sân bay như kiểm tra nhiệt độ, xét nghiệm Covid-19, thậm chí là đi qua hầm khử trùng là bắt buộc và có thể tốn nhiều thời gian. 

Bên cạnh đó, các du khách bay chuyến bay quốc tế có thể sẽ phải trang bị thêmgăng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt hay thậm chí là quần áo bảo hộ, dù chuyến đi dài hay ngắn. Các tạp chí trên máy bay cũng có thể được đánh số để biết được bao nhiêu người đã chạm vào chúng. Do máy bay nào cũng sẽ phải được khử trùng, vệ sinh kỹ càng sau mỗi chuyến bay, hành khách cũng phải đáp ứng yêu cầu về sức khoẻ trước khi lên tàu bay, số lượng chuyến bay sẽ ít đi và có thể đắt hơn sau Covid-19.

Ngoài máy bay, các phương tiện công cộng khác như tàu biển, xe buýt, tàu hoả, tàu điện ngầm cũng sẽ có những thay đổi cơ bản. Chẳng hạn như dung dịch sát khuẩn được bố trí ở khắp nơi, hành khách không đeo khẩu trang không được lên xe, số lượng người lên xe có thể ít hơn hẳn so với trước đây, mọi hành khách phải tuân thủ khoảng cách an toàn…

Di chuyển bằng phương tiện công cộng trở nên hạn chế.
Di chuyển bằng phương tiện công cộng trở nên hạn chế.  

Mặt khác, các phương tiện giao thông cá nhân và đi bộ sẽ trở nên phổ biến hơn. Tại Áo, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nền tảng “giao thông chia sẻ” Easy Way eScooter đã giúp người dân chuyển hướng từ giao thông cộng đồng sang giao thông cá nhân. Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu triển khai xây dựng và phát triển những ứng dụng như trên nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại và nhu cầu an toàn sức khoẻ của người dân, có thể kể tới ứng dụng “city trips”, “fluctuo”,…

Việc thay đổi cách thức di chuyển có thể khiến chi phí đi lại của du khách tăng đột biến so với trước đây. Điều này góp phần làm giảm nhu cầu du lịch của du khách. 

Du lịch Việt đổi mới để thích nghi

Tại Việt Nam, hầu hết các hoạt động trải nghiệm, thăm quan đều tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm mầm bệnh. Đơn cử, nền ẩm thực đường phố phong phú, đa dạng nhưng nhiều nơi không đảm bảo vệ sinh; hoạt động tham quan, vãn cảnh các đền chùa, lăng mộ, tượng đài,… thường tập trung đông người, khó kiểm soát.

Kể cả khi du khách đã mua vé, ghi rõ thời gian đến - đi cũng không tránh khỏi việc tụ tập đông người, chen lấn xô đẩy. Đặc biệt khi dịch bệnh được kiểm soát, các điểm đến có thể lơi là cảnh giác phòng dịch, chỉ tập trung vào lợi nhuận.  

Kể cả có vắc-xin, sự lo lắng của người dân vẫn cần có thời gian để dần ổn định. Bởi bài học từ du lịch Đà Nẵng đã “đánh một đòn mạnh” vào tâm lý du khách bởi ít ai ngờ rằng mình có thể phơi nhiễm với người bệnh một lúc nào đó trong khi đi du lịch.

Nhiều người cho rằng du lịch an toàn trong mùa dịch cũng rất thú vị riêng vì không phải xô bồ, chen chúc.
Nhiều người cho rằng du lịch an toàn trong mùa dịch cũng rất thú vị riêng vì không phải xô bồ, chen chúc.  

Nhìn chung, du khách e ngại nếu nhiễm bệnh sẽ bị gián đoạn công việc, gây ảnh hưởng đến người thân, bị kì thị trong cộng đồng, … bên cạnh các lý do về sức khoẻ. Nói cách khác, người dân sẽ càng thận trọng với sức khoẻ của mình hơn và việc đi du lịch giải trí sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chưa kể tới những biến tướng của các chương trình kích cầu du lịch sau dịch cũng gây hoang mang dư luận trong một thời gian. Như vậy, một bài toán khó được đặt ra với các cơ quan chức năng và đơn vị làm du lịch là làm sao để trấn an tâm lý du khách, khiến họ thoải mái với các quyết định đi - ở của mình một lần nữa. 

Mặt khác, trong các kịch bản hậu Covid-19 lần thứ nhất, phân khúc du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty) được đặc biệt quan tâm. Nhưng thực tế cho thấy, những hoạt động này đều đòi hỏi sự tập trung đông người tham dự. Chỉ cần có sơ suất trong hoạt động phòng chống dịch có thể khiến lây nhiễm rộng trong cộng đồng.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng dù đây là loại hình du lịch tiềm năng nhưng vẫn khó thực hiện. Sau khi kiểm soát dịch bệnh, các sự kiện hội họp trong nước có thể sẽ được ưa chuộng hơn so với các hình thức hội họp quốc tế. Tuy nhiên, về quy mô sự kiện có thể được cắt giảm để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội và các quy trình phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tổn thất nghiêm trọng sau dịch cũng khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí cho các sự kiện và hoạt động giải trí. 

Nói chung, nhu cầu du lịch hậu Covid-19 lần thứ hai sẽ có nhiều thay đổi so với lần thứ nhất đối với du khách nội địa. Chắc chắn sau đại dịch, ngành du lịch sẽ không thể quay trở lại như trước đây, mà sẽ có nhiều yêu cầu hơn khi đi du lịch. Do đó, không chỉ người làm du lịch cần thay đổi tư duy để nhanh chóng bắt kịp với nhu cầu hiện tại mà chính bản thân du khách cũng cần thay đổi suy nghĩ, có trách nhiệm hơn về việc tìm hiểu và tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

Đọc thêm