Sáng 14/5, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Học viện (15/5/1968 - 15/5/2018) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nửa thế kỷ qua là một dòng chảy với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ thầy và trò của nhà trường, cùng giương cao ngọn đuốc của sứ mệnh, của trọng trách, của truyền thống kỷ luật, kỷ cương để xây dựng từ Trường hạ sĩ quan và bổ túc sĩ quan của Bộ Công an thành Học viện có uy tín trong hệ thống các trường đại học Việt Nam, một cơ sở khang trang, phát triển vượt bậc và toàn diện về mọi mặt với trên 1.300 cán bộ, gần 19.000 sinh viên, trong đó có nhiều GS, PGS, Tiến sĩ, Thạc sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.
Theo Thủ tướng, thế giới luôn có nhiều biến động và ngày càng phức tạp. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, tình hình an ninh trật tự tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều thế lực không ngừng chống phá, gây rối vì chúng không muốn và không chấp nhận một Việt Nam ổn định và phát triển. Ngay trong ngành công an cũng có những cá nhân không giữ gìn được bản lĩnh chính trị, vi phạm kỷ luật và kỷ cương, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dẫn đến mất mát phần nào niềm tin của nhân dân đối với lực lượng.
“Trong một thế giới mà tốc độ lan truyền tin tức, đặc biệt là tin xấu trên mạng xã hội nhanh tới mức chóng mặt, mọi hành động, lời nói, cử chỉ của các đồng chí luôn được cả xã hội dõi theo thì yêu cầu gìn giữ hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân càng phải được chú trọng hơn”, Thủ tướng nói. Những khó khăn và thách thức giai đoạn hiện nay đòi hỏi lực lượng CAND phải được củng cố vững mạnh, tập trung đổi mới, nâng cao phẩm chất, trình độ, hiệu lực, hiệu quả chất lượng các mặt công tác, tiếp tục là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, yêu cầu đặt ra đối với công tác giáo dục đào tạo lực lượng Công an, trong đó có Học viện CSND, ngày càng cao và quan trọng. Học viện cần xác định rõ hơn tầm nhìn trong phát triển, có ước mơ, hoài bão lớn hơn và những bước đi táo bạo vững chắc để sớm trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và trường chuẩn quốc gia, phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo cảnh sát uy tín và đẳng cấp của khu vực và quốc tế.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Học viện phải đổi mới chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học bằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phương pháp dạy và học, gắn liền với yêu cầu thực tiễn, tổng kết lý luận, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tội phạm, quản lý xã hội và phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế, đưa Học viện thành một cơ sở đào tạo kiểu mẫu, một trung tâm trí tuệ của ngành và của cả nước, nơi khởi nguồn của những sáng kiến, tham mưu, đề xuất chiến lược và chính sách về quản lý trật tự xã hội, an ninh quốc gia cho Đảng, Nhà nước, kể cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Các thầy giáo, cô giáo phải là những tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, trình độ, tư duy sáng tạo. Phải quán triệt tư tưởng “Học, học nữa, học mãi” của Lenin. Lấy sinh viên là trung tâm của đào tạo và tạo môi trường cho các em phát huy hết khả năng tự học, tư duy sáng tạo. Hãy giúp các em học tập, rèn luyện để hiểu biết, để làm tốt công việc, để đủ bản lĩnh và kỹ năng đối phó được với mọi thách thức và trở thành con người đạo đức, nhân văn, sống nghĩa tình. Nuôi dưỡng ở các em lý tưởng cách mạng, ý chí kỷ luật và tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, lòng khát khao cống hiến, một thể lực sung mãn, một tâm hồn giàu lòng vị tha, nhân ái.
Học viện cần xây dựng hình mẫu người chiến sĩ CAND với những phẩm chất và năng lực cụ thể, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cho tình hình mới đặt ra. Đồng thời, cần có phương pháp để kiểm định, đánh giá phẩm chất, năng lực đó.
“Tôi mong muốn thấy khi ra trường, các đồng chí không chỉ là những chiến sĩ giỏi về nghiệp vụ mà còn có tinh thần xả thân vì dân, vì nước, không ngại khó khăn, gian khổ; ứng xử văn hóa với nhân dân, luôn biết gìn giữ và bảo vệ hình ảnh cao đẹp của người CSND”, Thủ tướng nói.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, sinh ra những người con làm công an anh dũng, kiên cường. “Trong chiến tranh, chúng ta dũng cảm, mưu trí, đánh thắng mọi thế lực thù địch, xâm lược. Trong thời bình, chúng ta bảo vệ luật pháp, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”.
Người dân, dù đời sống vật chất có khá giả hơn, nhưng có được an toàn hay không, bình yên hay không là phải dựa vào sự đóng góp quan trọng của lực lượng vũ trang, trước hết là lực lượng CAND, đặc biệt là trình độ và sự tận tụy phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Công an mà điểm xuất phát quan trọng làm nên những phẩm chất chính là từ Học viện CSND, Học viện ANND và hệ thống các trường đào tạo của ngành công an.
Nêu những tấm gương xả thân hy sinh vì dân như Thượng úy Lưu Minh Thức, người bị đối tượng hình sự nguy hiểm dùng kíp nổ chống trả, gây thương tích và hy sinh ở Yên Minh, Hà Giang gần đây, để lại người vợ trẻ và 2 con thơ; Thiếu úy Bùi Minh Quý lao vào dòng nước lũ để cứu người và hy sinh ở An Khê, Gia Lai khi tuổi đời mới 25, Thủ tướng cho rằng, cùng với biết bao những tấm gương cao đẹp khác của các chiến sĩ công an, đây là nguồn cảm hứng để chúng ta sống đẹp hơn, sống xứng đáng hơn, trách nhiệm hơn. “Hãy nỗ lực phấn đấu để nhân dân dành trọn niềm tin yêu đối với người chiến sĩ công an”.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Học viện CSND.