Thủ tướng là diễn giả chính khai mạc Hội nghị An ninh châu Á

Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Trần Hải Hậu cho rằng việc nước chủ nhà Singapore và Ban tổ chức Hội nghị (HN) Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La với tư cách là khách mời đặc biệt và là diễn giả chính khai mạc Đối thoại thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với an ninh khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và là diễn giả chính khai mạc Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 tại Singapore từ 31/5 đến 2/6.

Theo tiến sỹ John Chipman, Tổng Giám đốc của IISS, sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam vào Shangri-La lần thứ 12 và quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc phòng hiện nay cũng như cơ hội giải quyết tranh chấp sẽ tăng thêm sức mạnh đáng kể cho các cuộc thảo luận quan trọng về an ninh khu vực sẽ diễn ra tại Shangri-La.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về việc Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Trần Hải Hậu cho rằng việc nước chủ nhà Singapore và Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La với tư cách là khách mời đặc biệt và là diễn giả chính khai mạc Đối thoại thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với an ninh khu vực.

Sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam vào Đối thoại Shangri-La còn có ý nghĩa đối với nỗ lực chung của ASEAN nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên ASEAN đều thống nhất sớm khởi động đàm phán Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ năm có bài phát biểu quan trọng trong lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La kể từ năm 2009. Thủ tướng Australia Kevin Rudd là diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La 2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vào năm 2010, Thủ tướng Malaysia Najib Razak vào năm 2011 và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono vào năm 2012.

Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) tổ chức thường niên tại khách sạn Shangri-La của Singapore. Đây là diễn đàn chính để thảo luận và phân tích các vấn đề quốc phòng và an ninh trong và ngoài khu vực châu Á, trao đổi các biện pháp xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác an ninh khu vực.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 dự kiến quy tụ sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng cấp cao cùng các nhà phân tích quốc phòng hàng đầu của 27 nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.

Dự kiến, bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo quốc phòng của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Pháp, Đức, Anh, Canada… sẽ tham dự 5 phiên thảo luận chung được tổ chức trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 với các chủ đề chính là tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia đi đôi với ngăn ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch hóa chiến lược; các xu thế mới trong nền an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác quốc phòng trong khu vực.

Các đại biểu cũng sẽ bày tỏ quan điểm tại các phiên họp đặc biệt về nhiều chủ đề như ngăn ngừa sự cố trên biển; tình hình tại Afghanistan và an ninh khu vực; phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương; công nghệ quân sự mới; ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; sự phát triển của mạng đối với an ninh ở châu Á.

Ngoài ra, quan chức quốc phòng cấp cao của các nước còn tổ chức các cuộc họp song phương bên lề hội nghị.

Theo TTXVN

Đọc thêm