Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam

(PLVN) - Nhận lời mời của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đang thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 26 đến ngày 28/5. Ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven. Trước hội đàm, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp hẹp. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven. Ảnh VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven. Ảnh VGP

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Thụy Điển tươi đẹp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đánh dấu một nửa thế kỷ phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam – Thụy Điển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thủ tướng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết mà nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt của kháng chiến chống Mỹ và hỉnh ảnh Thủ tướng Olof Palmer dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này tại thủ đô Stockholm. 

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm sâu sắc với Thụy Điển và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ; đồng thời khẳng định nhân dân Thụy Điển luôn khâm phục sự dũng cảm và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam. Theo Thủ tướng Stefan Loefven, Chính phủ Thụy Điển hiện nay coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của Thụy Điển tại khu vực. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan Loefven khẳng định quan hệ thương mại – đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Để khai thác tiềm năng còn lớn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô tô. 

Hai Thủ tướng thống nhất cần thúc đẩy các bộ, ngành, đối tác hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, như đô thị thông minh, môi trường, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thông tin truyền thông, y tế…

Hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Thụy Điển tại Stockholm nhân chuyến thăm, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp tiếp sau Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Thụy Điển được tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Victoria. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thụy Điển ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện Việt Nam – EU. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA) trong những tuần tới và nhanh chóng phê chuẩn, triển khai sau đó, để mang lại lợi ích của tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển. Thủ tướng Thụy Điển trao Ý định thư về tín dụng đầu tư hơn 2 tỷ vào Việt Nam.

Thủ tướng Stefan Loefven đã đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự thịnh vượng và đa dạng văn hóa của nước Thụy Điển cũng như vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp quốc, ASEM, hợp tác ASEAN – EU, cũng như tham gia hợp tác chung ứng phó với các vấn đề toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững.

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Đọc thêm