Nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề và ý nghĩa của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Nhấn mạnh tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo hết sức toàn diện, sâu sắc, đúc rút cả lý luận và thực tiễn về những thành tựu, bài học của ngành ngoại giao trong chặng đường 35 năm đổi mới; quán triệt và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành những định hướng lớn để toàn hệ thống chính trị tập trung triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc bài phát biểu chỉ đạo và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng chỉ ra những thay đổi, biến động nổi bật trong hai năm vừa qua mà ngành Ngoại giao cần xác định rõ để đề ra những đường hướng phù hợp trong thời gian tới. Đó là đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới toàn thế giới và Việt Nam. Việt Nam đảm nhận vai trò trong các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đánh giá ngành Ngoại giao đã nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước các công việc đối nội, đối ngoại, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Việt Nam đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho các bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng hơn vào Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. |
Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Lực lượng cán bộ làm công tác ngoại giao trưởng thành hơn về mọi mặt.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh ngành ngoại giao đã có đóng góp quan trọng trong triển khai hiệu quả ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, vừa đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Từ một nước tiếp cận vaccine tương đối chậm, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và tự tin thay đổi trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, có được kết quả trên là do ngành Ngoại giao đã bám sát, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống ngành ngoại giao, linh hoạt thích ứng với điều kiện mới; sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về một số mặt hoạt động của ngành ngoại giao, như việc nghiên cứu chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu cần cố gắng hơn; chưa phát huy được hết tiềm năng hợp tác kinh tế tại một số địa bàn chiến lược; số lượng cán bộ làm việc trong các tổ chức quốc tế còn khiêm tốn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn hạn chế; đời sống vật chất của cán bộ ngoại giao chưa được cải thiện nhiều…
Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ, cảm thông với đội ngũ những người làm công tác ngoại giao về những khó khăn, thử thách trong dịch bệnh COVID-19, như một số cán bộ, nhân viên tại các sứ quán nhiễm COVID-19...
Bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc
Về nhiệm vụ trong năm 2022 và 2023, Thủ tướng Chính phủ nhận định về quốc tế có những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, thách thức đan xen như cạnh tranh chiến lược; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên; già hóa dân số, dịch COVID-19...
Đối với tình hình trong nước, Việt Nam tiếp tục thực hiện các định hướng lớn như xây dựng nền dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN; nền kinh tế thị trường XHCN; tích cực, chủ động hội nhập, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế... với mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng trao đổi về tình hình ngoại giao trong và ngoài nước với các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước mắt, cả nước tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngoại giao phải bám sát, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới, những kết quả đã làm được và chưa được trong thời gian qua để định hình công tác đối ngoại.
Thủ tướng nêu rõ trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, việc phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm 14 chữ đối với ngành Ngoại giao, đó là “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ngoại giao và ngoại giao vaccine được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không “chọn bên” mà chọn lẽ phải
Thủ tướng nêu rõ một số nội dung, nhiệm vụ trong triển khai 3 trụ cột ngoại giao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.
Trong đó, về ngoại giao chính trị, cần kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ hơn và ủng hộ con đường đi lên CNXH của Việt Nam, giải quyết các vấn đề trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
“Tinh thần là chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, hoạt động ngoại giao kinh tế phải tích cực góp phần vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút và phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; thúc đẩy các FTA hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tham gia vào các chuỗi liên kết toàn cầu, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tham gia tích cực vào phòng chống COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chuyển đổi sáng tạo; ứng phó với các thách thức toàn cầu như đã chỉ ra.
Ngoại giao văn hóa cần tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa mà Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã xác định theo tinh thần phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, thúc đẩy việc thế giới công nhận các di sản của Việt Nam, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Nhấn mạnh vấn đề xây dựng lực lượng ngoại giao, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ này phải “nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ”; đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hòa bình, đoàn kết, nhân ái, tin cậy, thủy chung, linh hoạt, sáng tạo nhưng quật cường, kiên quyết; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành ngoại giao…
Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiến tới hiện đại hóa cơ sở vật chất của ngành ngoại giao, các bộ ngành cùng chung tay vì mục tiêu này; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ ngoại giao…