Thủ tướng: Ngành Công Thương phải 'biến nguy thành cơ, càng áp lực càng phải nỗ lực'

(PLVN) -  Xác định kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh áp lực lạm phát và tổng cầu của thế giới tác động mạnh mẽ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Công Thương cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng...
Thủ tướng Chính phủ phát biểu hội nghị, sáng 3/2/2023.

Tập trung cao độ hoàn thành mục tiêu năm 2023

Báo cáo tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhắc lại những điểm sáng của ngành trong năm 2023. Đồng thời cho biết thêm tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong tháng 1/2023. Theo đó, do có hai kỳ nghỉ tết (tết dương lịch và tết nguyên đán) nên thời gian làm việc trong tháng 1/2023 chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước; Đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết.

Vì vậy chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%).

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn và tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI); Đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm…

Bộ trưởng khẳng định, ngành Công Thương cũng đã tự nhìn nhận một cách thẳng thắn và cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời sẽ tập trung cao độ, thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023 để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đã được giao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại Hội nghị

Để thực hiện được điều này, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới. Chỉ đạo tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logicstic, năng lượng, khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng và việc làm cho xã hội; Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện (kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào).

Áp lực trong năm 2023 là rất lớn…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được, ngành Công Thương còn có nhiều khó khăn, thách thức, băn khoăn...

Bối cảnh phát triển mới của đất nước đặc biệt trong năm 2023 “vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn song khó khăn nhiều hơn”. Sức ép lạm phát trên thế giới sẽ có tác động đến Việt Nam. Bởi Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Các thị trường lớn của Việt Nam đều có giảm phát. Cùng đó là khủng hoảng năng lượng và các yếu tố của biến đổi khí hậu là khó tránh.

“Trong nước năng lực chống chịu và sức cạnh tranh có hạn, tránh “cơn gió ngược” thế nào để thoát ra được? Năm 2022 chúng ta đã vượt qua được các thách thức này. Năm 2023 đã qua 1 tháng. Những tác động bên ngoài làm cho sản xuất giảm đơn hàng, chúng ta đã thấy rõ công nghiệp giảm. Áp lực lạm phát với chúng ta trong năm 2023 sẽ vẫn còn lớn”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng chia sẻ những trăn trở, lo âu, băn khoăn với ngành Công Thương

Theo Thủ tướng, trong những bối cảnh khó khăn, nhất là khi cả tổng cung và tổng cầu đều giảm thì “cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng”. Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; Mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Đồng thời khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel; Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý ngành Công Thương cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII.

Giá điện của Việt Nam không thể giống các nước phát triển

Riêng quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nêu rõ, tiến độ quy hoạch là rất cần song chất lượng quy hoạch còn cần hơn để có lợi cho nước, cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Thủ tướng cho biết cũng rất trăn trở khi chưa hoàn thành được quy hoạch này. “Song cần bình tĩnh, không nóng vội. Phải giải quyết tốt các vấn đề, sử dụng tối đa nguồn điện - truyền tải điện - phân phối điện - sử dụng hiệu quả tiết kiệm - giá điện. Đặc biệt vấn đề giá điện cần khẩn trương làm” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng chia sẻ: “Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng”.

Thủ tướng cũng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Công Thương cần quán triệt một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, điều hành. Đó là tinh thần "biến nguy thành cơ", càng áp lực càng phải nỗ lực; Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị ngành công thương trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; Xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp.

Song song, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Chú trọng phát triển công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả

Ngoài ra, ngành Công Thương cần thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện và xăng dầu. Tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trong mọi điều kiện phải bảo đảm cung cấp điện an toàn cho sản xuất.

Đọc thêm