Thủ tướng: Ngành Tài chính phấn đấu vượt thu ngân sách

(PLVN) - Năm 2019, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng gần 9,8% so với dự toán Quốc hội giao. Tại Hội nghị ngành Tài chính hôm qua (10/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Tài chính phải phấn đầu tăng thu 5% so với dự toán..
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thắng lợi toàn diện

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá năm 2019, ngành Tài chính “thắng lợi toàn diện”, nhiều mặt xuất sắc, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Tài chính là một trong các bộ đi đầu, trong việc tinh gọn bộ máy trong năm 2019.

“Điểm nổi bật nhất là thu ngân sách vượt dự toán, cả Trung ương và địa phương (năm thứ 4 liên tiếp vượt dự toán) góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển. Bộ Tài chính đã làm được việc lần đầu tiên sau nhiều năm toàn bộ các tỉnh, thành đều vượt thu ngân sách...”- Thủ tướng khen ngợi.

Theo Thủ tướng, tính chung, cả nước đã vượt dự toán trên 138.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với dự toán. Bội chi ngân sách chỉ có 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 3,6%.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ sự kỳ vọng lớn hơn nữa ở ngành mà Thủ tướng gọi là“huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển”. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính  cần tiếp tục “đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược chính sách”. 

“Tài chính không chỉ là con số thu chi NSNN, là khư khư giữ tiền; tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, nguồn lực, tiềm lực của đất nước, không chỉ đã có, đang có, mà sẽ có. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế….”- Thủ tướng kỳ vọng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách, thị trường chứng khoán... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Việt Nam…

Tháo gỡ khó khăn để có “chiếc bánh” to hơn

Nhấn mạnh nguồn thu ngân sách là từ sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu, dịch vụ..., Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành Tài chính cần phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển, làm sao cho “chiếc bánh” to hơn để có nguồn thu lớn hơn. 

“Đây chính là câu hỏi về thể chế, chính sách mà ngành Tài chính là đơn vị “cầm cân” quan trọng. Đổi mới không phải là từ cái nhà to mà chính đổi mới từ con người và thể chế. Tôi mong rằng chúng ta có bộ máy với những người giỏi, tâm huyết với sự nghiệp ngành Tài chính”- Thủ tướng phát biểu.

Đề cập đến chỉ tiêu năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính  cần quyết tâm và có giải pháp để năm 2020 vượt thu ngân sách ít nhất 5%; siết chặt kỷ luật ngân sách, trong đó giảm chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN để có nguồn chi cải cách tiền lương. Cùng với nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ nợ công và tái cơ cấu nợ công, giảm chi phí vay vốn…

Thu ngân sách năm 2019 tăng gần 9,8% so với dự toán

Nhờ chủ động trong triển khai thực hiện, kết hợp với sự phát triển khả quan của nền kinh tế, thu cân đối NSNN đến ngày 31/12/2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (+9,79%) so dự toán, trong đó: thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng (+8,5%), thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng (+26,1%) và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng (+13,4%) so với dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7%GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1%GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5%GDP và 21% GDP). Thu ngân sách trung ương (NSTW) vượt 32 nghìn tỷ đồng (+4%) so dự toán, thu ngân sách địa phương (NSĐP) vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng (+17,7%) so dự toán; 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu NSĐP.

Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến và ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019, tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 3,6% năm 2019 và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 13,9% năm 2019.

Đọc thêm