Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT'

(PLO) - Sáng nay, 4/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và làm việc với Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tại đây, Thủ tướng đã khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S lần đầu tiên được cung cấp tại thị trường Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam

Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành quả đạt được trong quá trình tái cấu trúc của VNPT. Thủ tướng nhận định, Tập đoàn VNPT đã có bước thay đổi toàn diện về tổ chức hoạt động theo đúng mô hình chuỗi của doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin hiện đại, tổ chức quản lý tập trung, thống nhất, chất lượng dịch vụ được cải thiện.

VNPT đã có sự đổi mới quyết liệt trong công tác quản trị điều hành, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công tác cán bộ. Chất lượng nguồn nhân lực của Tập đoàn được nâng cao, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập đoàn đã bước đầu cho ra mắt sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, VNPT đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào VNPT.

“Trong thời gian tới, VNPT phải phát triển mạng viễn thông di động, phát huy thương hiệu Vinaphone đạt tầm quốc tế, giữ vững vị trí thứ hai và phấn đấu đưa Vinaphone vươn lên vị trí hàng đầu trong kinh doanh viễn thông di động, nghiên cứu để phát triển thị trường ngoài nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “VNPT cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin. Tham gia tích cực vào xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì, tập trung vào truyền đưa văn bản điện tử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến, y tế từ xa, giáo dục, giao thông.

Thủ tướng cũng yêu cầu VNPT nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền của Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước đến cấp xã, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh cho mạng truyền dữ liệu quan trọng này. Sử dụng mạng truyền dữ liệu chuyên dùng để kết nối, liên thông văn bản điện tử, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến, tỉnh, huyện, xã.

“VNPT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, nội dung đề ra theo Quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian sớm nhất, Tập đoàn cần hoàn thành các nội dung còn lại: Ban hành Quy chế tài chính Tập đoàn, Điều lệ tổ chức và hoạt động của các công ty con trong tập đoàn. Hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch SXKD, kế hoạch đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng lựa chọn công nghệ hiện đại, đầu tư có trọng điểm vào lĩnh vực có hiệu quả cao, phấn đấu để có các sản phẩm công nghiệp viễn thông của VNPT”, Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, VNPT cần nỗ lực cao hơn nữa để tăng lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách,… trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án cổ phần hóa VNPT trong giai đoạn 2016-2020 nhằm thu hút nguồn lực để đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiếp tục giữ vai trò là đơn vị chủ lực của ngành viễn thông, công nghệ thông tin của đất nước.

Tăng trưởng vượt bậc sau tái cấu trúc

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên – cho biết, trong 2 năm qua, Tập đoàn VNPT đã quyết liệt triển khai và đã triển khai được một khối lượng công việc khá lớn, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã được đặt ra trong Đề án tái cơ cấu.

Theo đó, VNPT đã tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin và truyền thông theo mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng – Kinh doanh” và phân công công đoạn từng đơn vị thành viên với nguyên tắc “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả” theo 3 giai đoạn. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin. 

Việc đưa vào áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại (quản trị theo quy trình chuẩn, công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps…), thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân đã giúp VNPT tạo bước thay đổi trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả cho VNPT, loại bỏ tình trạng lao động ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương. Thu nhập bình quân người lao động giai đoạn 2014-2015 đã tăng trưởng được hơn 30% so với thời kỳ 2012-2013.

Trong bối cảnh vừa phải tập trung nhân lực để triển khai tái cơ cấu một cách toàn diện, sắp xếp lại nguồn nhân lực, tổ chức lại SXKD trong toàn Tập đoàn, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp... song Tập đoàn VNPT cũng vẫn đảm bảo tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Tổng doanh thu giai đoạn 2011-2015 đạt 562,653 nghìn tỷ đồng, bằng 100,9% kế hoạch. Tổng lợi nhuận giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng. Tổng nộp NSNN toàn VNPT giai đoạn 2011-2015 đạt 34,232 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 61.347 tỷ đồng (47% kế hoạch), tổng lợi nhuận thực hiện đạt 2.196 tỷ đồng (51,4% kế hoạch, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2015), nộp NSNN đạt 1.558 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn một lần nữa khẳng định hiện VNPT đã cơ bản hoàn thành các nội dung của đề án tái cơ cấu và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Hiện VNPT đã tự sản xuất được toàn bộ các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL, wifi, set top box, điện thoại di động…, giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng. Bộ đánh giá cao nỗ lực của VNPT và đề nghị VNPT tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.

Đọc thêm