(PLVN) - Chiều 24/6, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam" do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Phó Chánh án TAND tối cao Lê Hồng Quang. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng dự.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội thảo |
Về phía Bộ Tư pháp, có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và khởi nghiệp sáng tạo.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đầy đủ về những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật. Đặc biệt trong bối cảnh tiến hành tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời tích cực xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cùng các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội thảo còn là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
|
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu chào mừng |
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng bày tỏ trăn trở trước những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới nhưng chưa dám dấn thân sáng tạo hết mình, chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách quản lý hoặc trong pháp luật hiện hành.
Do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới là: cần sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoàn thiện pháp luật về đầu tư mạo hiểm, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, có ưu đãi thuế hợp lý đối với tài năng về công nghệ cao để tránh chảy máu chất xám. Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng; sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân; xây dựng văn bản pháp luật để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả chủ trương, định hướng xây dựng đô thị thông minh.
|
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày tham luận tại Hội thảo |
Trước đó, vào sáng 24/6, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp quốc gia, đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn về 3 nhóm chủ đề quan trọng: Pháp luật dân sự, kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng Chính phủ số và thành phố thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp cận công lý và bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tham dự phiên thảo luận chuyên đề có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đến từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ cùng một số đại diện doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Các tham luận đã góp phần làm rõ thêm khía cạnh pháp lý của việc ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đánh giá thực trạng điều chỉnh pháp luật đối với các vấn đề phát sinh cùng các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội thảo |
Qua tổng hợp các ý kiến, có thể thấy việc ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thay đổi lối sống, lối sinh hoạt của mỗi người dân, cách thức đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ, mà làm thay đổi sâu sắc cách thức tư duy, cách thức xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nội dung của chính sách, pháp luật. Những diễn biến mới của nền kinh tế chia sẻ, của việc tạo lập, quản lý, chia sẻ các cơ sở dữ liệu thông tin (nhất là thông tin cá nhân), của việc xuất hiện các loại tài sản mã hóa, các phương tiện thanh toán mới, của việc xuất hiện các dạng vi phạm pháp luật và tội phạm mới trên môi trường số làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật mới mà hệ thống pháp luật trong truyền thống chưa dự liệu hết.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham luận tại Hội thảo |
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tới nhiều lĩnh vực trong hệ thống pháp luật, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động trực tiếp tới hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi công tác xây dựng và thực thi pháp luật, phản ứng chính sách phải nhanh chóng, kịp thời hơn nữa. ư giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đều rất rộng lớn. Việc ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Trong chương trình, hội thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đến từ các doanh nghiệp công nghệ, các bộ quản lý ngành bàn về những yêu cầu mới trong việc thiết kế, xây dựng chính sách, pháp luật trong điều kiện mới, những vấn đề pháp lý đặt ra khi triển khai mô hình kinh tế chia sẻ, việc xây dựng chính phủ điện tử. Hội thảo cũng sẽ nghe đại diện tập đoàn Samsung chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ…