Đảm bảo cân đối ngân sách
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2021 ngày hôm nay - 8/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong bối cảnh năm 2020 nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và hậu quả thiên tai, bão lũ, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt khó, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá.
Ngành đã phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – NSNN, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ “kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Bộ trưởng cũng cho biết, để hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Ước tính, trong năm 2020 đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, liên tục, đến nay, ước thực hiện thu cân đối NSNN năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP. Trong đó: thu nội địa cơ bản đạt dự toán; thu từ dầu thô đạt 98,3%; tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng, phần cân đối NSNN đạt 86,2% dự toán.
Về chi NSNN, năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương.
Bộ trưởng cho biết, trong năm 2020, NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ. Ngân sách TW đã dành 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhờ chủ động trong điều hành, NSNN đã bố trí đủ nguồn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh theo dự toán.
“Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, dự kiến mức bội chi NSNN năm 2020 bằng 3,93% GDP ước thực hiện (nếu so với GDP kế hoạch thì bằng 3,64%), số bội chi tuyệt đối tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với dự toán (Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng tối đa 133,5 nghìn tỷ đồng)” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.
Toàn cảnh hội nghị |
Phấn đấu đạt kết quả cao hơn!
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương ngành Tài chính đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ. Đó là quản lý tài chính quốc gia được coi là tốt khi và chỉ khi có tác động tích cực đến quá trình sản xuất kinh doanh, làm ra được nhiều của cải cho xã hội, với năng suất, chất lượng cao, tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội, tạo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bao trùm.
“Ngành Tài chính không những hoàn thành toàn diện, vượt mức, xuất sắc nhiệm vụ 5 năm mà đặc biệt trong năm 2020, thực hiện càng xuất sắc hơn!”- Thủ tướng khen ngợi.
Khái quát 7 kết quả nổi bật của ngành Tài chính năm 2020, Thủ tướng cho rằng đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Con số này làm cho chúng ta thở phào, nói lên quản lý tài chính chặt chẽ. Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”- Thủ tướng nói thêm.
Dự báo tình hình kinh tế năm 2021, Thủ tướng cho rằng diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ khủng hoảng tài chính, nợ công toàn cầu; ảnh hướng trực tiếp, gián tiếp tới Bộ Tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công, thị trường tài chính mà trước hết thu NSNN ở những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới…”, đồng thời yêu cầu: “Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước!”
Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng DN và nhân dân. Cần chủ động phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, đó là đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn và tạo nền, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
“Năm 2021, ngành Tài chính cần triển khai với nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh…”, Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ngành Tài chính phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2020…