Nguyên tắc “3 trong 1”
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế - xã hội và môi trường và Thủ tướng gọi đây là nguyên tắc “3 trong 1” của sự phát triển.
“Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0…”- Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. “Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị hay biên giới hải đảo…
Chúng ta tăng trưởng nhanh để hội đủ các điều kiện về nguồn lực, thời gian và cả quyết tâm nhằm giải quyết rốt ráo những tồn tại, bất cập của nền kinh tế; và quan trọng hơn cả là bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của CMCN 4.0, của tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư mà Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung là một điểm sáng của thế giới…” - Thủ tướng diễn giải.
Tăng trưởng trên nấc thang mới
Thủ tướng khái quát một vài khía cạnh lớn của tăng trưởng nhanh và bền vững trong gần 3 năm qua và khẳng định Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, đời sống của người dân trở lên khá giả hơn kể cả vùng nông thôn, miền núi và hải đảo (đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%, với tốc độ giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm đến trên 4%).
Thủ tướng dẫn chứng, “đặc biệt, chưa có thời điểm nào trước đây, Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm “vươn ra biển lớn” của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Riêng trong năm 2018, trên 130 nghìn doanh nghiệp (DN) mới thành lập và trên 34 nghìn DN đã hoạt động trở lại…”.
Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định: “Chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng của chúng ta còn rất lớn và quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng…”
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dù kinh tế khu vực và thế giới còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, cuộc CMCN 4.0 cùng với nền kinh tế số sẽ là một xu hướng lớn, mở ra cơ hội đuổi kịp cho các nước đang phát triển, song Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số khi dẫn ra các số liệu về thuê bao di động, số người sử dụng thiết bị di động thông minh,…
Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng đã đưa ra 6 vấn đề tập trung phát triển trong năm 2019, trong đó khẳng định môi trường vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh hệ kinh tế-chính trị thế giới đầy bất ổn như hiện nay; Đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả DN Nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa, củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công.
Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực; Tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho DN; Thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và DN; Ưu tiên chính sách cho đầu tư vào vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng CMCN 4.0; Tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền….