Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia

Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác năm 2022 và thảo luận nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo Luật Quốc phòng, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là bộ phận của phòng thủ đất nước, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ: Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; chỉ đạo, hướng dẫn bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; chỉ đạo, điều phối phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc;

Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động các nguồn lực của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, cá nhân để phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo thống kê số liệu thiệt hại, nhu cầu cứu trợ của các địa phương, bộ, ngành Trung ương và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và nguồn lực phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là bộ phận của phòng thủ đất nước, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách về lĩnh vực này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia toàn dân trong công tác phòng thủ dân sự, góp phần bảo đảm ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai công tác phòng thủ dân sự đạt được nhiều kết quả, đã tập trung xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách; kiện toàn tổ chức và lực lượng; nâng cao chất lượng diễn tập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; chỉ đạo các cấp, các ngành, qua đó đã giảm đáng kể thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Các cơ quan cũng đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự kiến trình Quốc hội thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận, phát biểu đúng trọng tâm, trọng điểm, đánh giá toàn diện các mặt công tác - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…) có thể xảy ra bất cứ khi nào, đòi hỏi chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận, phát biểu đúng trọng tâm, trọng điểm, đánh giá toàn diện các mặt công tác, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, qua đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có hiệu quả. Văn phòng Ban Chỉ đạo tiếp thu, tổng hợp tối đa các ý kiến, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành thông báo kết luận để triển khai trong thời gian tới.

Đọc thêm