Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng cảm ơn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã lựa chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện quốc tế về môi trường có ý nghĩa to lớn này.
Thủ tướng nhìn nhận, Trái Đất, ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
“Thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ của chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Và hơn hết, để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống” (Resilient, Sustainable and Life-affirming Planet)”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nêu 4 nôi dung quan trọng gửi đến Kỳ họp để góp phần vào thảo luận |
Theo Thủ tướng, trong gần ba thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu. Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị G7 mở rộng, tại Canada, ngày 9/6, Thủ tướng đã phát biểu đánh giá cao vai trò quan trọng, sự hợp tác hiệu quả của Quỹ Môi trường toàn cầu và sẽ cùng Quỹ Môi trường toàn cầu thực hiện Dự án vùng, vì một đại dương không có rác thải nhựa.
Tham dự phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF với vai trò người đứng đầu Chỉnh phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số nội dung quan trọng để góp phần vào thảo luận của Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng đang diễn ra.
Cụ thể, một là, cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó.
Hai là, cần đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.
Ba là, cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…; cũng như cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.
“Liệu hành tinh của chúng ta có đủ sức chống chịu trước những rủi ro thiên tai?. Tương lai của nhân loại có bền vững hay không?. Các châu lục có còn tràn đầy sức sống hay không?. Câu trả lời phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào hành động của chúng ta ngay từ hôm nay vì một Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”, Thủ tướng bày tỏ.
Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (5/12/1994). Được tổ chức bốn năm một lần, Đại hội đồng GEF hội tụ Bộ trưởng môi trường và các quan chức cấp cao đến từ 183 quốc gia thành viên; cùng với các cơ quan Liên hợp quốc, các quốc gia phát triển khu vực; các tổ chức xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết để bảo vệ môi trường toàn cầu.
Kỳ họp GEF6 tại Đà Nẵng thu hút sự tham gia của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018, Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã và đang cho thấy tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả của GEF góp phần vào phát triển bền vững trên toàn thế giới, đồng thời bảo vệ các mục tiêu chung toàn cầu.