Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thịt lợn đã tăng giá thời gian qua một phần do dịch tả lợn châu Phi.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo một số bộ báo cáo về việc giá thịt lợn tăng vọt. Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn; báo cáo tình hình thực hiện trước ngày 10/3.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành; bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng đảm bảo giá cả cho người dân không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt lợn thấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để bảo đảm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các Bộ, cơ quan liên quan.

Theo báo cáo ngày 11/3 của Bộ NN&PTNT về tình hình cung ưng và kiểm soát giá thịt lợn, tính đến ngày 10/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).

Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh thêm 24 ổ dịch tả lợn châu Phi làm 20.177 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy. Dự kiến hết tháng 3, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy dưới 4.000 con, giảm 46% so với tháng 2.

Từ tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả 18 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, điển hình như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco… để chỉ đạo việc tăng đàn, giảm giá bán thịt lợn.

Kết quả, 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện có tổng đàn lợn giống ông bà là 97.500 con, tăng trung bình 8,24%. Tổng đàn lợn thịt, lợn choai (4-7 tháng tuổi) của các doanh nghiệp trong quý I dự kiến là 3,82 triệu con, tăng 17% so với số lượng lợn vào tháng 12/2018.

Nhiều địa phương như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đồng Nai... khẳng định việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho cả các địa phương xung quanh.

Tính đến hết tháng 2, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt động vật các loại. Cụ thể, nhập khẩu gần 14.000 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn; 12.500 tấn thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò; hơn 26.000 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm.

Từ cuối năm 2019, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ, thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ và các nước có mối quan hệ thương mại (Brazil, Đức, Liên bang Nga, Australia...).