Thú vị tục đập vỡ chén đĩa trong ngày cưới của người Đức

(PLO) -Người Đức có một nghi thức cưới vô cùng hay ho, đó là trước ngày cưới đôi trẻ sẽ tổ chức một bữa tiệc, bạn bè, người thân được mời đến sẽ mang theo những vật dụng trong nhà như bát, chén, đĩa được làm từ gốm sứ… ngoại trừ những đồ bằng thủy tinh, rồi cùng nhau đập vỡ chúng. Đập càng nhiều thì cặp đôi trẻ sẽ càng hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân sắp tới.
Cặp vợ chồng người Đức cùng nhau quét dọn chén đĩa mà khách mời đập.
Cặp vợ chồng người Đức cùng nhau quét dọn chén đĩa mà khách mời đập.

Cộng hòa LB Đức là một trong những nước công nghiệp hóa nhiều nhất trên thế giới, nằm ở giữa châu Âu và có chung đường biên giới với các nước Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Czesk, Áo, Pháp, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Ở phía Bắc, Đức nằm giáp ranh với biển Baltic và Bắc Hải. 

Nền ẩm thực phong phú

Diện tích nước Đức chỉ lớn hơn nước láng giềng Ba Lan một chút, nhưng dân số lại nhiều hơn gấp đôi. Trong số đó 68 triệu là người Đức, còn lại 15 triệu là người nước ngoài hay có nguồn gốc từ các nước khác. Đức có hai tôn giáo chính là đạo Cơ Đốc và đạo Do Thái, còn Hồi giáo chỉ mới xuất hiện và lan rộng ở Đức sau chiến tranh thế giới lần thứ II.  

Đức là một trong những nơi có nền ẩm thực vô cùng phong phú và nổi tiếng khắp thế giới. Khi nhắc đến đất nước này, người ta thường nghĩ ngay đến xúc xích Đức, bia, bánh mì, rượu vang nho... 

Một điều đặc biệt nữa ở đất nước này đó là, học đại học ở Đức không phải đóng tiền học phí, kể cả là sinh viên nước ngoài. Họ chỉ phải đóng một số tiền nhỏ cho việc đi lại, quản lý hành chính… tùy theo từng trường mà thôi.

Văn hóa cưới xin đa dạng

Văn hóa của Đức cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Đặc biệt là văn hóa cưới xin. Nhiều tập quán đã là truyền thống của họ từ xa xưa, nhưng cũng có nhiều phong tục hội nhập từ các nước khác nữa. 

Đối với người phụ nữ Đức, ngay sau khi đăng kí kết hôn, họ sẽ chính thức mang họ chồng và được gọi theo tên chồng. Mặc dù hiện nay Đức đã ban hành Luật mang họ trong gia đình và người vợ có quyền giữ họ riêng hoặc dùng kép. Tuy nhiên, hầu hết các cặp vợ chồng Đức vẫn theo truyền thống này. 

 Ở một số vùng của nước Đức, khi đôi uyên ương vừa bước ra khỏi phòng đăng ký kết hôn, họ sẽ được gia đình và bạn bè ném gạo lên người với ý muốn chúc phúc cho đôi trẻ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, con đàn cháu đống. 

Bữa tiệc độc thân hay còn gọi là “Junggesellenabschied”, là nghi thức không thể thiếu trong mỗi cuộc đời một người. Khoảng 2-3 tuần trước ngày cưới, cô dâu và chú rể thường sẽ cùng với những người bạn thân thiết của mình tổ chức một bữa tiệc và gọi đó là “bữa tiệc độc thân cuối cùng”.

Bữa tiệc thường sẽ do hội bạn thân tổ chức mà không báo trước để gây bất ngờ cho họ. Cô dâu chú rể sẽ cùng ăn uống vui chơi với những người bạn của mình khi vẫn còn trên danh nghĩa là “độc thân vui vẻ”. Được biết, trước đây ngày lễ độc thân chính là ngày mà người cha của cô dâu sẽ gọi toàn bộ đàn ông trong gia đình đến để xem xét về con rể tương lai của mình.

Mọi người sẽ kiểm tra anh chàng đó có đủ nhân cách và trách nhiệm làm chồng của con gái họ hay không. Chú rể sẽ phải nghe những bài giáo huấn và triết lý dài dòng về hôn nhân và gia đình. Đây cũng có thể coi là thách thức cuối cùng trước khi nhận được chấp thuận của gia đình cô dâu. 

Tuy nhiên sau này ngày lễ đã dần dần được thay đổi, nó mang tính chất nhẹ nhàng và vui vẻ chứ không còn căng thẳng và nhàm chán. Nhà gái sẽ nghĩ ra những trò để trêu chọc chú rể và cho đến ngày nay thì nó trở thành một bữa tiệc vui vẻ và tràn ngập tiếng cười.

Mọi người cùng nhau hát hò nhảy múa, ra đường và đi lòng vòng khắp nơi, mời thêm người đi đường cùng tham gia như để thông báo với cả thế giới về tin vui của mình. 

Cưa gỗ cũng là một phong tục cưới thú vị của người Đức.
Cưa gỗ cũng là một phong tục cưới thú vị của người Đức. 

Gom tiền xu mua giày cưới

Trong ngày cưới, bộ váy cưới và đôi giày của cô dâu cũng mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Được biết, ngay từ nhỏ các bé gái cũng như cha mẹ của họ sẽ cùng nhau gom góp những đồng tiền xu và đem cất đi, số tiền xu này sẽ được dùng để mua giày cho cô dâu vào ngày trọng đại nhất của cuộc đời mình.

Việc làm này mang một ý nghĩa rất nhân văn, thông qua đó cha mẹ muốn dạy cho con gái mình đức tính tiết kiệm và trở thành người vợ đem lại hạnh phúc cho gia đình mình. 

Vào ngày cưới, đôi giày cưới sẽ được mang ra bán đấu giá. Mọi người sẽ trả giá cho đôi giày của cô dâu và dĩ nhiên người cuối cùng mua lại đôi giày và kèm theo cả khoản tiền của khách mời trả giá trước đó sẽ là chú rể. Tất nhiên, đây chỉ là trò giải trí và cuộc đấu giá chỉ giới hạn trong một khoản tiền nhỏ mà thôi. 

Ngoài ra, trong ngày cưới, ở một số vùng, người thân còn thách thức cô dâu chú rể bằng cách bắt họ cưa một khúc gỗ. Hai người sẽ phối hợp cùng nhau, đưa và đẩy sao cho thật nhịp nhàng, uyển chuyển, không quá nhanh và cũng không quá chậm. Phong tục này là biểu tượng cho một cuộc hôn nhân hài hòa hạnh phúc, biết nhường nhịn nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình. 

Ném chén đĩa “đổi” hạnh phúc

Đây cũng là một trong những phong tục hay ho của người Đức. Nguồn gốc của tập tục này không rõ bắt nguồn từ khi nào và nơi đâu, nhưng người Đức cho rằng những âm thanh do bát đĩa vỡ tạo ra sẽ đại diện cho những xung đột của vợ chồng trong tương lai, những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hôn nhân.

Nghi thức dọn dẹp đồ đổ vỡ của cô dâu chú rể nhằm giúp cho họ sẵn sàng đối mặt với các khó khăn và cầu chúc cho họ cuộc sống hạnh phúc.

Đám cưới của người Đức không quá cầu kỳ, rườm ra và nhiều thủ tục. Họ thích sự ấm cúng, do đó khách mời chỉ là người thân, bạn bè quan trọng nhất chứ không nhất thiết phải mời hết tất cả. Trước khi lễ cưới diễn ra, bạn bè, người thân của cô dâu chú rể được mời đến dự một bữa tiệc gọi là “Polterabend”, có nghĩa là ném bát đĩa.

Quy tắc khi tham dự Polterabend là mỗi người sẽ mang theo mình những loại đồ sứ như: bát, chén, đĩa... Tuy nhiên, đồ bằng thủy tinh sẽ không được mang đến lễ cưới. Điều đặc biệt ở đây là những món đồ sứ này không phải mang đến tặng cho cặp uyên ương mới cưới, mà những món đồ gốm sứ đó sẽ được các khách mời ném xuống đất cho nó vỡ tan tành. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ là những người phải quét dọn những mảnh vỡ.

Phong tục đập vỡ chén đĩa này mang ý nghĩa là vĩnh biệt cuộc sống độc thân và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi cưới. Theo đó, số lượng những chiếc bát, đĩa bị đập vỡ trước lễ cưới càng nhiều, và cô dâu cùng chú rể phải dọn dẹp hết số đĩa vỡ càng lớn cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng càng bền vững. Đồ vật vỡ hết tượng trưng cho sự đổ vỡ, ném hết sự đổ vỡ đi chỉ còn lại sự gắn kết yêu thương trong cuộc sống vợ chồng.

Có thể nói, việc cưới hỏi là một việc lớn, thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người, nó thể hiện sự gắn kết giữa hai người yêu. Tập tục truyền thống Polterabend là một trong nhiều nét đặc trưng truyền thống đặc biệt và khác lạ trong nghi thức cưới hỏi của người Đức, mang ý nghĩa văn hóa to lớn.

Tuy chỉ là một phần nhỏ trong phong tục cưới xin, nhưng đóng vai trò khá quan trọng và không thể thiếu trong một đám cưới truyền thống của đất nước có bề dày văn hóa như Đức.../.