Với cuốn sách Thư viện của những thần tượng của tác giả Lee Ha-Young chứa đầy sự nghiên cứu, tìm tòi này, độc giả sẽ biết được những danh nhân trên thế giới - họ đã đọc các cuốn sách kinh điển của các tác giả nổi tiếng nào.
“Thư viện của những thần tượng” của Tân Việt Books liên kết NXB Văn học được chia thành 22 phần, trong đó tác giả Lee Ha-Young đã chọn ra 22 cặp đôi, người này là cảm hứng của người kia, họ đối thoại với nhau qua tác phẩm cũng như chúng ta đọc sách hằng ngày vậy.
Mỗi phần là một nghiên cứu ngắn gọn về một danh nhân với một cuốn sách. Chẳng hạn như: Beethoven đã đọc vở kịch “Giông tố” của đại văn hào William Shakespeare, Lev Tolstoy đã đọc “Bất tuân dân sự” của Henry David Thoreau, Paul Gauguin đã đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, hay Charlie Chaplin đã đọc Oliver Twist của Charles Dickens, và Hemingway đã đọc “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” của Mark Twain… Ở những tên tuổi này có một điểm chung là những tác phẩm mà họ đã đọc ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp và con đường sáng tác của họ.
Trong suốt “mùa đông” của cuộc đời, vào thời điểm Beethoven từ bỏ chốn thành thị và trốn vào rừng ở ẩn khi phát hiện mình đang dần mất đi thính giác. Đây cũng là thời điểm ông viết nên bản nhạc “Giông tố”. Và trùng hợp thay, đó cũng chính là lúc ông đọc tác phẩm cùng tên của Shakespeare.
Ngoại trừ âm nhạc, có thể nói, Beethoven không được giáo dục trong bất kì lĩnh vực nào khác. Bởi thế, một người có lòng tự trọng mạnh mẽ như Beethoven đã không thể làm gì khác ngoài việc đọc sách. Tuyệt vọng và chạy trốn, bản sonata dành cho piano có tựa “Giông tố” mang giai điệu nhanh như vũ bão. Lý giải cho điều này, có một giai thoại cho rằng khi thư kí hỏi Beethoven làm thế nào có thể hiểu được bản sonata này, ông đã trả lời rất ngắn gọn: “Hãy đọc vở kịch Giông tố của Shakespeare”. Và sau này, các nhà sản xuất đã gắn nó làm tựa đề cho bản nhạc này.
Có thể nói, sách đã trở thành sức mạnh cho Beethoven, người đã phải chịu đựng nỗi khổ vì mặc cảm tự ti. Trong cuộc trốn chạy trong tâm hồn, ta có thể dựa vào sách, lấy cảm hứng từ những câu chuyện trong sách để làm sức bật vươn lên giữa giông tố.
Điều này cũng được tác giả lý giải tương tự ở phần Hemingway đã đọc Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain. Thời trẻ, Hemingway không học đại học mà lựa chọn lao ngay ra chiến tuyến, dấn thân vào những nơi xa lạ như Paris, Tây Ban Nha, châu Phi… Chặng đường ông đã đi qua chẳng khác nào một cuộc phiêu lưu. Và bất ngờ hơn, ông chính là người có một trích dẫn nổi tiếng: “Văn học Mỹ được bắt đầu với “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” của Mark Twain”.
Cuộc đời ông đã đi qua có phần tương đồng với nhân vật Huckleberry Finn trong tác phẩm của Mark Twain. Nếu như Mark Twain đã viết một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu tuyệt vời diễn ra ở giữa thị trấn và làng mạc, thì có thể thấy Hemingway cũng chọn viết những câu chuyện tình yêu trong sáng mà bản thân chưa từng trải qua, về sự thiêng liêng của cuộc sống mà ông vốn không tin vào.
Tương tự những câu chuyện đó, các nhân vật nổi tiếng được nhắc đến trong cuốn sách này đều có mối liên hệ mật thiết với một cuốn sách đặc biệt, được gọi là “thư viện của những thần tượng”, và nhờ mối liên hệ đó mà những người vĩ đại đã tạo nên những kiệt tác vĩ đại cho thế giới.
Thông qua cuốn sách này, tác giả muốn nói rằng đọc sách là việc mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Bạn không cần phải đọc hàng nghìn cuốn sách trong một thời gian ngắn, mà chỉ cần đọc để nắm bắt và ghi chép lại một khía cạnh nào đó có liên quan đến chính bạn. Từ đó, bạn sẽ biết được rằng cuốn sách này đang muốn nhắn nhủ điều gì tới bạn. Việc đọc sách nhờ thế mà trở nên ý nghĩa hơn trong cuộc sống, giúp ta không ngừng sáng tạo.
Lee Ha-Young là một tác giả kiêm nhà báo phụ trách chuyên mục sách người Hàn Quốc. Ngay từ khi còn nhỏ, Lee Ha-Young đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những cuốn sách và tủ sách của người khác. Nhờ mối lương duyên với sách, Lee Ha-Young đã quyết định viết những bài báo đăng tải dài kỳ, sau đó tập hợp thành cuốn sách có tên “Thư viện của những thần tượng”.