Nợ xấu không những ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của ngân hàng, tạo nhiều áp lực nặng nề cho nhân viên ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do bên vay thường bất hợp tác, tìm cách chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm, việc khởi kiện ra tòa cũng không dễ dàng và nếu được xử thắng kiện cũng khó thi hành án.
Ngày 21/6/2017, tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017 và được triển khai áp dụng trong thời hạn 5 năm. Đây được coi là công cụ hữu hiệu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, từ đó tạo cơ chế đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, giúp các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đồng thời tiết kiệm chi phí về nhân lực và vật lực.
Là văn phòng đầu tiên tại Hà Nội phối hợp với các ngân hàng để thu hồi nợ xấu, từ năm 2015 đến nay, Văn phòng TPL Hai Bà Trưng đã tham gia cùng với nhiều ngân hàng xử lý thành công gần 20 vụ nợ xấu, giúp thu hồi được hàng ngàn tỷ đồng.
Năm 2015, trong khi phối hợp với ngân hàng để thu hồi tài sản đảm bảo là trụ sở kinh doanh, các TPL cùng lực lượng cán bộ của ngân hàng, công an phường đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía người vay tiền. Đối tượng này đã huy động một nhóm khoảng 20 người có thái độ vô cùng kích động, sử dụng dao để đe dọa, đứng chắn ngang cửa trụ sở đã được khóa nhiều lần để ngăn cản lực lượng mở cửa, xử lý tài sản.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công an phường và kỹ năng vận động, thuyết phục của TPL, bên vay tiền đã chấp nhận rút lui lực lượng để cán bộ ngân hàng xử lý tài sản, thu về được gần 10 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào tháng 8/2017, Văn phòng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với một ngân hàng khác để thu hồi một dự án bất động sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian 20 ngày, nhờ đó tiết kiệm chi phí lớn về cả nhân lực và vật lực cho ngân hàng.
Theo đó, TPL đã trực tiếp lập vi bằng việc giao thông báo của ngân hàng cho các bên liên quan về việc bàn giao, thu giữ tài sản bảo đảm, đây được coi là cơ sở chứng minh bên xử lý tài sản bảo đảm đã gửi thông báo cho bên bị xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
TPL lập vi bằng việc thu giữ tài sản bảo đảm cho ngân hàng bao gồm việc mở khóa, kiểm kê tài sản, niêm phong tài sản… trước khi đưa ra bán đấu giá cũng như tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với cá nhân, tổ chức.
Vi bằng này nhằm chứng minh việc thu giữ tài sản hoàn toàn khách quan theo trình tự luật định. Ngoài ra, TPL còn lập vi bằng ghi nhận hành vi của những người có mặt ở hiện trường, giúp bảo vệ cán bộ ngân hàng tránh khỏi các hệ quả pháp lý trong trường hợp bị quy kết làm hao hụt, mất mát tài sản cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị thu giữ tài sản bảo đảm.
Qua thực tế phối hợp giữa ngân hàng và Văn phòng TPL Hai Bà Trưng cho thấy vi bằng thực sự có giá trị trong việc bảo vệ phía ngân hàng trước pháp luật trong quá trình tổ chức việc thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Sự đồng hành của TPL đã góp phần giảm khoản nợ xấu đang tồn đọng tại các ngân hàng của các tổ chức tín dụng ở giai đoạn khi giữa ngân hàng và khách hàng có tài sản thế chấp chưa cùng tham gia tố tụng, giúp cho việc xử lý và thu hồi nhanh chóng, kịp thời theo quy định, đặc biệt là đối với các khách hàng chây ỳ, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm.
Để có thể tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, xử lý nợ xấu với các tổ chức tín dụng, đội ngũ TPL cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết tình huống thực tiễn, cách thức cân đối quyền lợi giữa tổ chức tín dụng và người vay. Ngoài ra, đội ngũ thư ký giúp việc cũng cần không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tâm với công việc.
Cùng với đó, cán bộ ngân hàng cần tự nâng cao trình độ đánh giá, thẩm định khách hàng, phải bám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng để nắm được tình hình tài chính của họ, có hướng xử lý kịp thời khi có dấu hiệu xuất hiện nợ xấu.