Thừa Thiên Huế: Dấu hiệu vi phạm tại mỏ khoáng sản ở đồi Khe Trâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Phước Tài được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác khoáng sản để làm nguyên liệu phụ gia xi măng. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy từ mỏ khoáng sản này, đất san lấp lại được chở ra một số công trình tại các địa bàn lân cận.
Xe xúc múc đầy vật liệu lên xe tải tại mỏ Khe Trâm. (Ảnh trong bài: Tám Bảy)
Xe xúc múc đầy vật liệu lên xe tải tại mỏ Khe Trâm. (Ảnh trong bài: Tám Bảy)

Chỉ được khai thác đá sét làm nguyên liệu phụ gia xi măng

Theo hồ sơ, ngày 11/11/2017, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Cty TNHH Sản xuất & Dịch vụ Hải An với mỏ đá sét làm nguyên liệu phụ gia xi măng tại khu vực đồi Khe Trâm (phường Hương An, TP Huế).

Theo nội dung giấy phép, Cty Hải An được khai thác với diện tích 7,4ha; trữ lượng khai thác 664.266 tấn. Phương pháp khai thác là lộ thiên, công suất 40 nghìn tấn/năm, thời hạn đến 11/11/2032.

Tháng 10/2019, Cty Hải An chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đồi Khe Trâm cho Cty Phước Tài. Ngày 29/2/2020, UBND tỉnh có Quyết định cho phép Cty Phước Tài được tiếp tục khai thác khoáng sản đá sét làm nguyên liệu phụ gia xi măng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực đồi Khe Trâm.

Theo giấy phép, Cty Phước Tài chỉ được khai thác đá sét để làm nguyên liệu phụ gia xi măng chứ không được sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy khoáng sản sau khi khai thác ở đây được chở đến phục vụ việc san lấp một số công trình tại các địa bàn lân cận.

Xác minh sự việc trên, PV đã nhiều ngày bám theo các xe tải chở khoáng sản xuất phát từ mỏ Khe Trâm để ghi nhận thực tế. Theo đó, điểm đến của một số xe tải này là các công trình xây dựng dân dụng đang trong giai đoạn san nền, chứ không phải là các nhà máy sản xuất xi măng.

Ví dụ như vào ngày 3/5/2024, xe tải BKS 75C-110… và 75C-109… lấy đất từ mỏ Khe Trâm rồi vượt hơn 30km đổ đất san lấp tại địa bàn xã Điền Môn, huyện Phong Điền (sát tỉnh Quảng Trị).

Xe tải BKS 75C-109… chở vật liệu từ mỏ Khe Trâm đến nhà dân ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền.

Xe tải BKS 75C-109… chở vật liệu từ mỏ Khe Trâm đến nhà dân ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền.

Trả lời PLVN về vấn đề này, đại diện Sở TN&MT khẳng định: Theo giấy phép khai thác khoáng sản, Cty Phước Tài chỉ được khai thác đá sét để làm nguyên liệu phụ gia xi măng. Việc lấy đất từ mỏ này cung cấp đất san lấp cho các công trình không có trong nội dung giấy phép được cấp cho DN.

Gần đây, Sở TN&MT cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản của Cty Phước Tài. Tại đây, tổ kiểm tra nhận thấy trong khu vực mỏ này có đất cấp phối làm vật liệu san lắp và không giống khoáng sản tại các vết lộ đang khai thác tại mỏ.

Mỏ khoáng sản lại “mua đất cấp phối” từ nơi khác

Đại diện Sở TN&MT cho biết có mời đại diện Cty Phước Tài lên làm việc và Cty có đưa ra hợp đồng, hoá đơn mua đất cấp phối từ Quảng Trị. “Mỏ đó chỉ cho khai thác khoáng sản làm phụ gia xi măng, chứ không cho làm bãi tập kết đất san lấp. Sở đang cho rà soát lại sự việc”, đại diện Sở TN&MT thông tin. Còn về việc khai thác đất ở mỏ đưa ra ngoài bán, đại diện Sở cho biết ghi nhận thông tin từ PV Báo PLVN.

Căn cứ những hợp đồng, hoá đơn mà Cty Phước Tài cung cấp cho Sở TN&MT, thì DN này mua đất cấp phối ở tỉnh Quảng Trị; đoạn đường vận chuyển từ các mỏ ở Quảng Trị tới mỏ Khe Trâm không dưới 50km. Sau đó, Cty Phước Tài lại vận chuyển đi bán; như vậy có thu được lợi nhuận hay không, hay đây chỉ là hình thức để hợp thức hoá vi phạm?

Đại diện 1 Cty khai thác đất cấp phối phân tích rằng, nếu Cty Phước Tài mua đất cấp phối ở Quảng Trị, đem tập kết ở Huế, sau đi bán lại thì khó có lợi nhuận vì sự cạnh tranh giá cả và công vận chuyển khá cao.

Cả đoàn xe chở vật liệu rời mỏ Khe Trâm.

Cả đoàn xe chở vật liệu rời mỏ Khe Trâm.

Về phía Cty Phước Tài, trả lời PLVN, đại diện Cty cho rằng hiện tại DN vẫn đang nhập nguyên liệu phụ gia xi măng cho nhà máy đóng trên địa bàn. Đồng thời, có mua đất san lấp ở Quảng Trị về tập kết ở mỏ Khe Trâm; sau đó, ai cần thì bán lại.

“Gần đây, Sở TN&MT có tới kiểm tra, nói làm thế là sai, nếu muốn có bãi tập kết đất thì phải xin phép nên DN đã cho dừng, hiện vẫn còn ít đất loại này vẫn để ở đó. Do thiếu việc và không hiểu biết nên chúng tôi mới làm như vậy”, đại diện Cty nói.

Đại diện Cty cũng cho rằng, do vừa rồi ông bị bệnh phải nhập viện nên tài xế múc đất ở khu đồi đi bán. “Đá của mình bán 1m3 khoảng 70 ngàn đồng, trong khi 1m3 đất chỉ khoảng 40 ngàn đồng”, đại diện Cty này nói.

Đọc thêm