Thừa Thiên Huế: Gỡ vướng vấn đề đội thuyền rồng sông Hương hết niên hạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều chủ thuyền rồng du lịch trên sông Hương đang rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên” khi những chiếc thuyền rồng du lịch sắp hết niên hạn sử dụng theo quy định; nhưng việc đóng mới lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thuyền rồng chở du khách trên sông Hương là một nét đặc trưng của Huế.
Thuyền rồng chở du khách trên sông Hương là một nét đặc trưng của Huế.

Du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương luôn hấp dẫn du khách khi đến cố đô Huế. Theo thống kê, hiện trên sông Hương có khoảng 140 thuyền rồng hoạt động vận tải hành khách, 10 thuyền buộc phải dừng hoạt động từ 2022. Đến 2023, gần 40 thuyền hết niên hạn; và năm 2025, 100% thuyền rồng đến niên hạn phải chấm dứt hoạt động trên sông Hương. Trước thực trạng này, các chủ thuyền rồng mong muốn cơ quan thẩm quyền hướng dẫn cụ thể để người dân có nhu cầu đóng thuyền mới chủ động tìm kế mưu sinh.

Mấy tháng nay, ông Võ Văn Rơi (ngụ đường Chi Lăng, TP Huế) lo lắng khi những chiếc thuyền của gia đình ông sắp hết niên hạn. Ông Rơi hiện đang sở hữu 2 chiếc thuyền đơn và 1 chiếc thuyền đôi chuyên chở khách du lịch trên sông Hương. Thuyền rồng chở khách trên sông Hương được Cty CP Du lịch Hương Giang cho ra mắt cách đây khoảng 30 năm. Thông thường, thuyền đơn rộng 3,2 - 3,5m; thuyền đôi 6,5 - 7,3m; dài 16 - 18m. Thuyền được đóng bằng gỗ, đáy bọc loại nhôm vỏ máy bay từ thời chiến tranh được người dân lùng mua lại. Theo quy định, một chiếc thuyền đơn chở tối đa 15 khách, thuyền đôi không quá 35 khách.

“Đây là gia sản mà vợ chồng tôi gom góp vay mượn để đóng. Nhưng đến cuối năm nay, 2 chiếc thuyền đơn không thể hoạt động nữa dù theo tôi vẫn bảo đảm chất lượng, an toàn. Vài năm nữa, chiếc thuyền đôi cũng hết niên hạn. Nếu thuyền bị hạ bản thì gia đình chúng tôi chưa làm gì để mưu sinh”, ông Rơi nói.

Nhiều chủ thuyền rồng cũng cho biết, dù lo lắng nhưng khi thuyền hết niên hạn theo quy định, họ vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, các chủ thuyền mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện sớm tiếp cận, đóng mới thuyền du lịch. Nhiều người vẫn chưa biết được mẫu thuyền, hồ sơ thủ tục, địa điểm cơ sở đóng thuyền đạt chuẩn và chính sách vay vốn.

Ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT), cho biết, theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu, thì thuyền rồng du lịch trên sông Hương làm bằng kim loại (nhôm, kẽm) sẽ có niên hạn sử dụng 30 năm kể từ năm đóng mới; thuyền làm bằng gỗ niên hạn sử dụng 25 năm. Từ 2019, Chi cục đã phổ biến quy định của Nghị định 111 cho các chủ thuyền. Phương tiện nào đã đăng kiểm, phương tiện nào sắp hết hạn cũng được ghi rõ trong giấy chứng nhận để chủ thuyền nắm bắt, chủ động tính toán. Nghị định 111 không cho phép cải hoán nên các thuyền rồng hết niên hạn phải hạ bản.

Nhiều chủ thuyền mong cơ quan thẩm quyền sớm hướng dẫn cụ thể để người dân có nhu cầu đóng thuyền mới chủ động tìm kế mưu sinh.

Nhiều chủ thuyền mong cơ quan thẩm quyền sớm hướng dẫn cụ thể để người dân có nhu cầu đóng thuyền mới chủ động tìm kế mưu sinh.

Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do một Cty thiết kế với kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Đăng kiểm số 4 cho rằng đây chỉ là mẫu về kiểu dáng với mục đích lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của Huế, không phải bản thiết kế kỹ thuật cần có để thẩm định cho việc đóng mới.

Cũng theo ông Sơn, để đóng một phương tiện thủy nội địa, cần có bản thiết kế kỹ thuật đã được Cục Đăng kiểm thẩm định. Phương tiện phải được đóng tại cơ sở đủ điều kiện với sự giám sát của cơ quan kiểm định. Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế chưa có cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đáp ứng yêu cầu. Người dân muốn đóng thuyền mới, phải đến cơ sở ở địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết, chia sẻ những khó khăn của các chủ phương tiện chở khách du lịch, các sở, ngành liên quan của tỉnh đang phối hợp hỗ trợ bà con trong quá trình chuyển đổi này. Hiện tỉnh đã giao Sở GTVT và Sở Văn hóa - Thể thao hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân về mẫu thuyền tỉnh đã duyệt. Tuy nhiên, chi phí cho việc đóng mới này khá lớn nên UBND tỉnh đang giao các sở, ngành liên quan xây dựng mẫu thuyền phù hợp với nhu cầu chung của người dân.

Đọc thêm