Thừa Thiên Huế nghiên cứu tháo gỡ một số vướng mắc trong đấu giá quyền khai khoáng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong các mỏ khoáng sản được tổ chức đấu giá thành công tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có một số doanh nghiệp (DN) có văn bản gửi UBND tỉnh xin trả lại mỏ do quá trình thực hiện, xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc; dẫn đến tính không khả thi khi thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS).
Tại Thừa Thiên Huế, trước đây một số DN đã trúng đấu giá quyền khai khoáng nhưng trong quá trình thực hiện xuất hiện một số vướng mắc nên đã xin trả lại mỏ. (Ảnh: Thùy Nhung)
Tại Thừa Thiên Huế, trước đây một số DN đã trúng đấu giá quyền khai khoáng nhưng trong quá trình thực hiện xuất hiện một số vướng mắc nên đã xin trả lại mỏ. (Ảnh: Thùy Nhung)

Trúng đấu giá, nhưng không thể giải phóng mặt bằng

Từ 2020 đến nay, Sở TN&MT tỉnh đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh tổ chức 5 đợt đấu giá QKTKS thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Qua đó, có 51 khu vực mỏ khoáng sản được tổ chức đấu giá thành công, trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) hơn 60 triệu m3. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, một số DN lại có văn bản gửi UBND tỉnh xin trả lại mỏ.

Đơn cử như mỏ đất làm vật liệu san lấp (VLSL) tại khu vực thôn Phường Hóp (huyện Phong Điền) của Cty CP Đầu tư Thuận Hóa, bị hủy kết quả trúng đấu giá QKTKS mỏ đất làm VLSL tại Quyết định 1985/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh. Lý do DN trả mỏ vì không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo Cty Thuận Hóa, sau khi lập hồ sơ khoan thăm dò trữ lượng khoáng sản, DN này tiến hành thương lượng giá đền bù đất rừng với các hộ dân. Các bên không thống nhất được giá đền bù do người dân đưa ra mức giá bị DN cho là quá cao (1ha rừng đền bù hơn 1 tỷ đồng), khiến công tác GPMB không thể triển khai.

Đại diện Cty Thuận Hóa cho biết, sau khi trúng đấu giá, DN sẽ lập hồ sơ khoan thăm dò, khảo sát, xin phê duyệt trữ lượng, báo cáo kinh tế kỹ thuật, xin chủ trương đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm hồ sơ chuyển đổi trồng rừng thay thế rồi mới có giấy phép khai thác... Bình quân mỗi bộ hồ sơ hoàn thiện để được cấp phép mất rất nhiều kinh phí và thời gian từ 1 - 2 năm. DN cho rằng đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc; gặp trở ngại trong GPMB; nên xin trả lại mỏ.

Một trường hợp khác, cuối 2022, Cty CP Kim Long Motors Huế đấu giá trúng mỏ đất diện tích 28,22ha tại khu vực núi Cảnh Dương (huyện Phú Lộc). Đến cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản đất làm VLSL và đá làm VLXDTT trong báo cáo kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản tại khu vực núi Cảnh Dương. Tuy nhiên, sau đó Cty Kim Long Motors Huế có công văn gửi UBND tỉnh xin được trả kết quả trúng đấu giá QKTKS tại núi Cảnh Dương.

Theo DN này, nguyên nhân là trong quá trình thăm dò mỏ đất làm VLSL tại núi Cảnh Dương đã phát hiện mỏ có trữ lượng đá rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu của DN chỉ sử dụng đất làm VLSL để thực hiện dự án, không có mục đích kinh doanh và không có nhu cầu về khai thác đá làm VLXDTT.

Quy định mới tháo gỡ vướng mắc

Theo nhiều ý kiến, việc tổ chức đấu giá QKTKS là cơ sở quan trọng, tạo ra sân chơi minh bạch cho các DN khai khoáng, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Trước đây, theo điểm đ khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013, các dự án khai khoáng thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, mà do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khai khoáng. Trường hợp chưa thực hiện GPMB, nhưng vẫn tổ chức đấu giá thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khó giải quyết.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 đã tháo gỡ các vướng mắc trên. Khoản 25 Điều 79 quy định Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có hoạt động khai khoáng đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất.

Đây là chính sách tháo gỡ kịp thời nhằm hỗ trợ cho các DN trong hoạt động khai khoáng, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Sở TN&MT sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung liên quan nhằm giảm thủ tục hành chính, thời gian giải quyết hồ sơ của các dự án.

Đọc thêm