Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 19-2, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khu vực miền Nam tổ chức hội thảo khoa học “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ”.
Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương .
Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương .

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết: “Tại Việt Nam, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp và vai trò của phụ nữ và thực hiện hàng loạt các chính sách cả cấp vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, và đảm bảo phụ nữ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ và đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết của mình trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới. Nhiều văn bản luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã được ban hành nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ."

Theo ông Phạm Quý Trọng, Hội thảo “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ” nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, khảo sát về bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, cung cấp các luận cứ khoa học để xây dựng khuyến nghị chính sách về bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ trong giai đoạn tới.

Hội thảo còn là điều kiện để các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, nhà khoa học và các tổ chức liên quan cùng thảo luận về các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu khoảng cách giới trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, hội thảo còn mang ý nghĩa thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy xã hội, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững.

"Việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ nâng cao năng lực cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sáng tạo và đổi mới của quốc gia." - Ông Phạm Quý Trọng nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (giữa) phát biểu tại Hội thảoPGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (giữa) phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, sau phần trình bày báo cáo đề dẫn cơ sở lí luận và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng các đề tài thực tiễn của các diễn giả khác, các đại biểu tham dự đã có buổi trao đổi sôi nổi về giải pháp thúc đẩy sự bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể bình đẳng với nam giới trong việc tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong nghiên cứu KH&CN.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận tập trung vào nhiều nội dung cụ thể, trong đó nêu lên một số quan điểm như: Nam và nữ đều có quyền bình đẳng như nhau; truyền thông có vai trò lớn trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng giới trong KH&CN; công nhận sự đóng góp của phụ nữ vào giáo dục đào tạo, KH&CN, đặc biệt việc áp dụng tiến bộ KHCN ở nông thôn trong thời đại 4.0; công nhận bình đẳng giới trong giáo dục đào tạo về KH&CN; công nhận vai trò của chính phủ về việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.

Đặc biệt, tại hội thảo, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã ban hành quyết định về Đề án hạnh phúc thúc đẩy bình đẳng giới, hướng đến thay đổi nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ của sở.

"Đề án hạnh phúc tiếp cận theo ba góc độ chính: bắt đầu từ đâu, tại sao cần thực hiện, nội dung triển khai và phương thức thực hiện. Hiện nay, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, trong khi nam giới cũng dần đảm nhận nhiều công việc gia đình hơn.

Sau một thời gian thí điểm, đề án hạnh phúc không chỉ giúp giảm áp lực cho người lao động mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công việc. "Dù chỉ triển khai thí điểm, nhưng chính sách này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Dự kiến Đề án hạnh phúc sẽ được Sở LĐ-TB&XH thực hiện thí điểm đến hết năm 2026 và sau đó sẽ có đánh giá tổng hợp, nếu thành công sẽ nhân rộng ra nhiều đơn vị khác." - Bà Thanh cho biết./.

Đọc thêm