Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài: Tăng cường vai trò các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến hết ngày 10/6, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 từ nguồn nước ngoài của các bộ, ngành mới đạt 7,53% so với dự toán được giao. Theo Bộ Tài chính, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19, nguyên nhân chủ quan vẫn từ các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án…
Ngành Giao thông Vận tải là một trong 2 ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài cao nhất. (Ảnh minh họa)
Ngành Giao thông Vận tải là một trong 2 ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài cao nhất. (Ảnh minh họa)

8/13 bộ, ngành chưa giải ngân

Báo cáo tại Hội nghị với các bộ, ngành đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) nguồn vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn 2021-2025.

Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương cho các bộ, ngành theo Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 16.636,75 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/5/2021, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các bộ, ngành đạt 72,55% (12.069,87 tỷ đồng). Số liệu giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành tính đến hết ngày 10/6 là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Trong đó, 5/13 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở hai bộ là Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT. Đáng lưu ý có đến 8/13 bô, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch ĐTC vốn nước ngoài năm 2021.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, tính đến hết 10/6/2021, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp. “Tình trạng giải ngân vốn ĐTC nói chung và vốn ĐTC nguồn vốn nước ngoài chậm đã ảnh hưởng tới việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chậm do đâu?

Nguyên nhân khách quan được nhiều đơn vị đưa ra là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án; Vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ các nước có dịch Covid-19 cũng bị ách tắc làm dự án chậm tiến độ… Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, nguyên nhân chính vẫn là yếu tố chủ quan, trực tiếp là các là đơn vị chủ dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều hạn chế.

Là một trong hai đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài cao nhất, đại diện Bộ GTVT chia sẻ về cách làm của mình. Theo đó, để triển khai các dự án có nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp như: Giao vốn kịp thời trên cơ sở cân đối các nguồn vốn; Yêu cầu BQLDA lập kế hoạch giải ngân theo tháng và họp giao ban hàng tháng để xem xét các nguyên nhân làm chậm giải ngân; Đồng thời Bộ cũng đánh giá, kiểm điểm cán bộ lãnh đạo, cá nhân liên quan và đi kiểm tra định kỳ để giải quyết các vướng mắc cho các BQLDA…

Lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà lưu ý, từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy giải ngân vẫn là tăng cường vai trò của các chủ đầu tư, các BQLDA. “Các đồng chí phải tích cực, quyết liệt triển khai các dự án của mình, trong đó có việc hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai về giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định, hoàn lại các chứng từ hồ sơ đối với khoản tạm ứng để thu ghi chi… Các BQLDA phải chỉ đạo triển khai quyết liệt, kiểm tra, giám sát, có khó khăn, vướng mắc liên hệ với các bộ, ngành giải quyết kịp thời” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà lưu ý.

Thứ trưởng cũng cho biết, về cơ chế, chính sách đầu tư, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp báo cáo Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho phù hợp. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết.

“Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2021..” - Lãnh đạo Bộ Tài chính kêu gọi.

Bộ Tài chính lưu ý các chủ dự án:

Tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; Tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; Gửi Kho bạc Nhà nước hồ sơ để làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt; Chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đọc thêm