Thúc đẩy ngân hàng mở - hướng tới xây dựng chuẩn mực chung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngân hàng mở (Open banking) là xu hướng tất yếu, do đó các chuyên gia đề xuất cần thiết phải ban hành quy định pháp lý yêu cầu chia sẻ dữ liệu phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Với quy định triển khai bắt buộc và hành lang pháp lý chặt chẽ, mô hình ngân hàng mở sẽ mở rộng nhanh chóng, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số.
Các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh PV).
Các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh PV).

Xu hướng tất yếu

Hội thảo “Ngân hàng (NH) mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức mới đây diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) được coi là ưu tiên hàng đầu trong ngành NH bởi CĐS giúp các NH nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình; cải thiện khả năng sẵn sàng cho tương lai cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng; nâng cao khả năng cạnh tranh trong một hệ sinh thái đang thay đổi nhanh chóng. Đồng thời giúp các NH cải thiện chất lượng dịch vụ, tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận…

Một trong những công nghệ đột phá gắn với Cách mạng công nghệ 4.0 cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được một số NH Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.

Thay vì khép kín, không chia sẻ tệp khách hàng của mình, cũng không liên kết với ai để bảo vệ dữ liệu (data) khách hàng như trước đây, hiện nay các NH đang cố gắng thay đổi, cởi mở tới mức tối đa.

“NH mở/Open Banking là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh NH trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ là một trong những mô hình đột phá công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình phát triển số theo hướng thông minh và cởi mở, giúp CĐS thành công trong lĩnh vực NH…” - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.

“Mở” đến đâu?

“Tôi cho rằng CĐS của ngành NH là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ NH trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kỹ thuật, CĐS là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội” - Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ câu chuyện thực tế của bản thân, Phó Thống đốc cho biết, ông sống ở khu chung cư. Khi nhận được một hóa đơn dịch vụ, khách hàng có 2 sự lựa chọn thanh toán: Hoặc vào app của khu chung cư hoặc chuyển khoản NH. Nếu chọn cách thứ nhất, khi hoàn thành thanh toán, app chung cư sẽ xóa hóa đơn đó. Nhưng chọn cách thứ hai thì khách hàng không biết là hóa đơn đó đã được thanh toán hay chưa.

“Kết quả là tôi đã chuyển khoản 2 lần cho dịch vụ đó. Việc này nói lên câu chuyện, nếu chúng ta có thiết kế Open API và Open Banking thì sẽ kết nối liên thông, giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Khoản thanh toán của tôi sẽ được hiển thị trên 1 nền tảng, sau khi tôi thanh toán thì sẽ có thông báo là không còn hóa đơn nào nữa…”, Phó Thống đốc dẫn giải.

Dẫn câu chuyện thanh toán tiền điện, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, để làm được câu chuyện thanh toán hóa đơn liền mạch như hiện nay, ngành Điện lực phải mất khoảng 5 năm để tổng hợp số liệu và cho phép các NH tích hợp vào dữ liệu đó.

Với các NH, đến nay một số NH đã triển khai Open API và Open Banking, như VietinBank hay BIDV đã có Open API cho phép các đối tác của mình vào để kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu. Tuy nhiên, hiện việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng NH chứ chưa có chuẩn chung.

“Thay vì vài chục NH có hàng chục Open API, khiến các fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống NH?”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nêu vấn đề. Kết quả khảo sát nhanh tại Hội thảo cho thấy có đến trên 90% các ý kiến đồng tình cho rằng cần có sự kết nối giữa các Open API của các NH.

Cần có quy chuẩn

Tại Hội thảo, các chuyên gia đề xuất cần thiết phải ban hành quy định pháp lý yêu cầu chia sẻ dữ liệu phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Với quy định triển khai bắt buộc và hành lang pháp lý chặt chẽ, mô hình NH mở sẽ giúp mở rộng nhanh chóng với nhiều thành viên tham gia, đáp ứng mục tiêu CĐS ngành NH. Cơ quan nhà nước qua đó dễ giám sát, thực hiện các biện pháp kịp thời để thúc đẩy NH mở phát triển. Tính an toàn, bảo mật thông tin cũng sẽ được giám sát chặt chẽ, giảm bớt rủi ro vận hành phát sinh trong quá trình triển khai NH mở.

Với mô hình này, cơ quan quản lý nhà nước xem xét ban hành quy định khung về việc triển khai Open Banking/Open API như: quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, các loại API được cung cấp…; có quy định chi tiết về chuẩn API và bảo mật dữ liệu, xác thực khách hàng được ban hành bởi cơ quan nhà nước hoặc đơn vị triển khai hạ tầng OBP.

Cùng với đó, cần ban hành các quy định điều kiện và nghĩa vụ của các bên tham gia NH mở cũng như các tiêu chuẩn về an ninh an toàn. Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

“Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ NH…” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đọc thêm