Thúc đẩy phát triển logistics xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm phần lớn ở các thị trường khó tính. Đòi hỏi của các thị trường này ngày càng cao và hiện các khách hàng này đang yêu cầu xanh cả quy trình sản xuất. Điều này đang đặt logistics trước khó khăn lớn.
Logistics Việt Nam đứng trước áp lực chuyển đổi xanh. (Ảnh: TCCT).
Logistics Việt Nam đứng trước áp lực chuyển đổi xanh. (Ảnh: TCCT).

Nhiều thuận lợi cho phát triển logistics xanh

TS. Trần Thị Thu Hương - Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại cho rằng, doanh nghiệp logistics Việt Nam có nhiều thuận lợi khi chuyển đổi xanh. Trong đó, thuận lợi cần phải được nhắc đến đầu tiên là kinh tế xanh đang được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam và trong những năm vừa qua, thấy kinh tế xanh tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Ví dụ như tốc độ tăng trưởng về kinh tế xanh tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2018 đến 2021 vừa qua đã đạt mức 10 - 13%/năm và kinh tế xanh cũng đã đóng góp vào GDP của Việt Nam khoảng 2%.

Ngoài ra, một số lĩnh vực trong nền kinh tế đã đặc biệt quan tâm phát triển đến kinh tế xanh và trong số 6 - 8 lĩnh vực mà Nhà nước đang quan tâm đầu tư, có những lĩnh vực liên quan đặc biệt đến logistics xanh như giao thông vận tải.

Bà Đặng Hồng Nhung - đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các chính sách ưu tiên trong lĩnh vực logistics hiện nay vẫn đang được triển khai. Ví dụ như dự án về xây dựng Trung tâm logistics đang thuộc danh mục ưu đãi đầu tư và sẽ được hưởng đầy đủ các ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi phương tiện. Điều này đồng nghĩa với việc đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp và sử dụng chủ yếu hiện tại đang là phương tiện vận tải bằng điện. Cụ thể, Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng.

Đáng chú ý, bà Nhung cho biết, hiện tại Bộ Công Thương đang thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo chiến lược thì vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu.

… nhưng áp lực cũng lớn

TS. Trần Thị Thu Hương thông tin, theo một kết quả tiến hành khảo sát, có khoảng 66% doanh nghiệp logistics Việt Nam đã bắt đầu có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì thấy rằng mới chỉ số ít thực hiện được. Ví dụ đối với áp dụng tiêu chuẩn chẳng hạn mới chỉ có khoảng hơn 33% doanh nghiệp có áp dụng tiêu chuẩn ISO 14.000. Điều này cho thấy từ chiến lược cho đến thực tế triển khai tại doanh nghiệp vẫn là một khoảng cách.

Theo bà Đặng Hồng Nhung, xu hướng xanh sẽ vừa tạo áp lực, vừa tạo cơ hội cho ngành logistics. Bà Nhung phân tích, áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm. Ví dụ như Tổ chức Hàng hải thế giới đang siết chặt những quy định về nhiên liệu hàng hải và những quy định này sẽ tác động đến toàn bộ ngành hàng hải thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi các quy định đó.

Bên cạnh đó, áp lực cũng đến từ phía khách hàng. Bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều là những khách hàng rất khó tính. Họ có yêu cầu rất cao về các tiêu chí xanh. “Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là chỉ sản phẩm phải xanh thôi nhưng hiện nay tiêu chí này áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh. Logistics với vai trò là hoạt động kết nối toàn bộ quá trình sản xuất, do đó, cũng đứng trước đòi hỏi phải xanh hóa và nếu chúng ta không đáp ứng được những yêu cầu này thì chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi” - bà Nhung nói.

TS. Trần Thị Thu Hương cũng cho rằng, để chuyển đổi logistics xanh, đó sẽ là áp lực lớn bởi chắc chắn giai đoạn đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí.

Chưa kể, Việt Nam mới chỉ tham gia được một phần trong chuỗi logistics toàn cầu. Điều này sẽ tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi khi các tập đoàn lớn, các công ty logistics đóng vai trò là người điều hành chuỗi logistics trên toàn cầu, họ chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ và họ yêu cầu các doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia vào chuỗi logistics của họ phải cũng phải đáp ứng được yêu cầu để xanh hóa toàn bộ chuỗi logistics của họ. Nhưng, theo bà Hương, áp lực này cũng sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ chuyển đổi thúc đẩy quá trình logistics của các doanh nghiệp Việt Nam nhanh hơn.

Đồng thời các doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam đứng dưới áp lực cạnh tranh với các công ty logistics nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam sẽ buộc họ sẽ phải đẩy nhanh xanh hóa để có thể cạnh tranh lại, giành thị phần với các công ty logistics nước ngoài.

Đọc thêm