Có giải pháp giãn, giảm mật độ xây dựng
Cụ thể, 9 nội dung gồm 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 dự thảo luật: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong đó, về đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật là cần thiết, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, ổn định lâu dài cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, củng cố sự đồng thuận chính trị và sự ủng hộ của xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào sứ mệnh cao cả của LHQ là gìn giữ hòa bình thế giới; khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của nước ta trên trường quốc tế.
Đối với đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Pháp lệnh này là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Khu Di tích Lăng trong giai đoạn mới.
Riêng về đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị do Bộ Xây dựng chuẩn bị, các đại biểu cho rằng cần thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển đô thị, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, khi xây dựng Luật này cần quan tâm chế tài quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế xây dựng những công trình, khu đô thị mới cần tính toán quy mô dân số để có giải pháp giãn, giảm mật độ xây dựng, xây dựng công trình hạ tầng ngầm, nhất là các đô thị loại 1, đô thị lớn, tránh tình trạng ùn tắc và cần quan tâm bảo vệ môi trường; phải bảo đảm cảnh quan đô thị, tránh tình trạng lấp ao, hồ gây mất cảnh quan và ngập úng cục bộ trong đô thị.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng lưu ý về việc cần phải có quy định trong việc ưu tiên tách riêng hệ thống nước thải đô thị để xử lý, vì hiện nay hầu hết các đô thị ở Việt Nam nước mưa và nước thải đang cùng chung mương thoát nước và chưa có nhà máy xử lý.
Về nội dung này, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị và pháp luật có liên quan; nhất là việc đánh giá một cách khách quan, tổng thể những tồn tại, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai, đề xuất những quy định, biện pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả; rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính trong dự thảo, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo đảm cắt giảm thực chất, không chồng chéo, trùng lắp; đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần tại các nghị quyết của Chính phủ.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh TTXVN) |
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là luật khó, có phạm vi điều chỉnh rộng, cần cân nhắc, những gì đã được các luật khác quy định thì không đưa vào trong luật; những gì chưa được luật khác quy định thì nên điều chỉnh; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phải tiếp tục coi trọng công tác xây dựng thể chế
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các Bộ có liên quan đã tích cực chuẩn bị, trình các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự thảo luật, nghiên cứu tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở, qua đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế.
Thủ tướng cảm ơn các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hỗ trợ tích cực trong việc hoàn thiện các dự thảo luật. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến thành viên Chính phủ, dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện các dự án luật, nhất là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nội dung khác trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục coi trọng công tác xây dựng thể chế, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thúc đẩy quá trình xây dựng thể chế nhanh, kịp thời, đặc biệt coi trọng chất lượng, rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tập trung phân cấp phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường việc kiểm tra, giám sát với tinh thần chính sách phải thông thoáng nhưng phải có công cụ để giám sát, kiểm tra; qua đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với bước đi và lộ trình phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường vai trò người đứng đầu, kỷ luật kỷ cương trong xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan của Quốc hội, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến nhân dân, đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình đất nước.