Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, sau hơn 30 năm kiên định con đường Đổi mới toàn diện, Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng kém phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, duy trì ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước và hình thành mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việt Nam khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại các cơ chế khu vực và quốc tế quan trọng.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, đối với Việt Nam, quan hệ với các nước Trung Đông - châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. “Khởi nguồn từ khát vọng chung về độc lập, tự do từ những năm 50 của thế kỷ 20, mối quan hệ này không ngừng được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình, quý báu mà Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi dành cho nhau trong thời kỳ đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc”, Phó Thủ tướng nói.
Bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông – châu Phi tiếp tục cùng nhau vượt qua các thách thức chung, nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển trong cộng đồng quốc tế. Đây chính là nền tảng và giá trị vững chắc đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông – châu Phi trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và những đối tác quan trọng của nhau.
Vẫn theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn và đa dạng. “Việt Nam là thành viên của Cộng đồng ASEAN, nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, đang hướng tới tầm nhìn 2030 về xây dựng một xã hội thịnh vượng, nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên tri thức, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông – châu Phi”, ông nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng, sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông – châu Phi còn gặp không ít thách thức, trở ngại như 2 bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau; xa cách về địa lý...
“Tôi mong rằng các quý vị sẽ tận dụng một cách hiệu quả 2 ngày Hội nghị để cùng tìm ra các giải pháp, bước đi mới nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi ngày càng phát triển sâu sắc, thiết thực và hiệu quả trong những năm tới”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.
Thay mặt 44 đại sứ, đại biện, đại diện các nước Trung Đông – châu Phi dự Hội nghị, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hasan Nayel nhấn mạnh: châu Phi- châu lục với thị trường 1,2 tỷ dân, có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Theo Đại sứ, các nước cần cùng nhau đưa ra một chương trình hành động với ưu tiên là ký kết được những hiệp định tự do thương mại trong châu Phi để khai thác tiềm năng của thị trường này. Đại sứ Mahmoud Hasan Nayel cũng cho rằng, hai bên có thể hợp tác hiệu quả ở các lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, viễn thông và đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn về các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi trên tất cả các lĩnh vực; gợi mở những hướng mới, thực chất, hiệu quả để biến sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị truyền thống thành những kết quả hợp tác cụ thể; xác định những lĩnh vực nhiều tiềm năng, có tính khả thi cao để thúc đẩy trong hợp tác kinh tế giữa 2 bên...
Trong đó, để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên, Hội nghị cũng tập trung bàn về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, rào cản, đặc biệt là vấn đề thanh toán để doanh nghiệp 2 bên thuận tiện trong trao đổi hàng hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 69/70 quốc gia Trung Đông - châu Phi. Hơn 200 văn kiện đã được ký kết, tạo khung pháp lý thuận lợi cho quan hệ hợp tác nhiều mặt. Về thương mại, từ năm 2010 đến nay, kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng thêm 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD.
Hoạt động đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp hai bên đạt bước tiến đáng khích lệ, đạt trên 5 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là các dự án đầu tư viễn thông của Việt Nam tại một số quốc gia châu Phi, giúp người dân khu vực châu Phi tiếp cận dịch vụ viễn thông, mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu. Hợp tác về lao động, nông nghiệp, năng lượng, giao thông, trao đổi chuyên gia cũng là những điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi.