Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên thương mại điện tử

(PLVN) - Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang gia tăng ở các kênh bán hàng, nhưng phương thức nhận hàng mới trả tiền vẫn đang thịnh hành trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Điều này khiến cho việc thúc đẩy TTKDTM gặp nhiều khó khăn hơn.
Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên TMĐT còn thấp. (Ảnh minh họa: PV).

Giao dịch tiền mặt vẫn được ưa chuộng

Theo báo cáo năm 2023 của nền tảng bán hàng đa kênh Sapo, xu hướng TTKDTM đang chiếm lĩnh ngành bán lẻ khi chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng đứng top 1 phương thức thanh toán được ưa chuộng. Tuy nhiên, bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi và dễ sử dụng của các hình thức thanh toán của Sapo cho thấy, tiền mặt vẫn là hình thức được ưa chuộng đứng thứ 2 về mức độ tiện lợi. Một báo cáo của Allied Market Research cũng cho thấy, tỷ lệ thanh toán theo hình thức COD (nhận hàng - trả tiền) cũng đang thịnh hành khi 80 - 90% khách hàng TMĐT chọn sử dụng phương thức thanh toán này.

Theo đánh giá của Cục TMĐT và Kinh tế số (iDEA - Bộ Công Thương), người mua hàng lựa chọn phương thức COD chủ yếu vì lý do không tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng, phải trực tiếp nhận hàng và kiểm tra thì mới an tâm trả tiền. Đây cũng là một lý do khiến cho TTKDTM ở TMĐT chưa phát triển tương xứng với mức độ phát triển của TMĐT ở Việt Nam.

Lý giải về vấn đề này, iDEA cho rằng, đó là do vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện nhiều trên các sàn TMĐT hiện nay. Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD).

Ngoài ra, theo đại diện iDEA, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok. Điều này càng cho thấy mức độ thận trọng của NTD khi mua hàng trên TMĐT và qua đó, việc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng càng được lựa chọn nhiều hơn bởi mức độ an toàn khi có thể kiểm chứng được hàng hóa trước khi chuyển trả tiền.

Đáng chú ý, theo đánh giá của iDEA, việc sử dụng COD trong TMĐT tại Việt Nam mang lại tiện lợi cho NTD nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế và thách thức cả cho người bán và dịch vụ giao hàng. Bởi COD cũng mở ra cánh cửa cho các hành vi gian lận, như việc đặt hàng giả mạo hoặc không thanh toán khi nhận hàng. Ngoài ra, tỷ lệ hoàn hàng thường cao hơn so với các phương thức thanh toán trực tuyến, gây tổn thất cho người bán và làm tăng chi phí logistics. Chưa kể, với phương thức COD, tỷ lệ trốn thuế của các nhà bán hàng trên TMĐT sẽ càng gia tăng.

Gia tăng bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến

Mặc dù TTKDTM trong các giao dịch tại Việt Nam ngày càng chiếm tỷ lệ lớn nhưng tỷ lệ TTKDTM trong TMĐT, nhất là thanh toán điện tử thông qua các trung gian thanh toán hoặc ứng dụng thanh toán còn thấp. Theo Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu TTKDTM trong TMĐT đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025. Bộ Công Thương đánh giá, đây là thách thức không nhỏ và cần phải có nhiều cách để thúc đẩy gia tăng hình thức này trong thời gian tới.

Về nguyên nhân lớn nhất khiến NTD lựa chọn trả tiền mặt khi mua hàng trên TMĐT là do lo ngại chất lượng hàng hóa, đại diện iDEA cho biết, một mặt, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các chủ sàn, người kinh doanh TMĐT cần quan tâm chất lượng hàng hóa trên sàn, một mặt thúc đẩy phương thức để bảo vệ NTD trên TMĐT.

Theo đó, iDEA đã nghiên cứu phối hợp với các đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai Hệ thống Giải quyết tranh chấp trực tuyến trong TMĐT có tích hợp thanh toán bảo đảm. Hệ thống này được triển khai nhằm mục đích hạn chế tình trạng người bán kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, đồng thời thúc đẩy việc TTKDTM; giảm tỷ lệ mua hàng bằng hình thức COD.

Đại diện iDEA khẳng định, hệ thống này sẽ giúp bảo vệ khoản tiền của người mua trả trước và chỉ thanh toán cho người bán sau khi sản phẩm đã được xác nhận đồng ý về chất lượng từ người mua. Điều này không những góp phần giúp giao dịch mua bán trên TMĐT được thuận lợi và dễ dàng hơn mà còn giúp người mua thanh toán tiền trước thoát khỏi nỗi lo lắng về việc nhận phải hàng kém chất lượng và không được hoàn lại tiền.

Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa người mua và người bán, hệ thống sẽ giải quyết với 3 cấp bậc xử lý tranh chấp, bao gồm giải quyết giữa người mua và người bán; giải quyết thông qua sàn TMĐT và giải quyết thông qua các trung tâm trọng tài thương mại. Đại diện iDEA đánh giá, với giải pháp này, hoạt động thương mại trực tuyến sẽ ngày càng được an toàn hơn và bảo đảm hơn. Từ đó, NTD sẽ sẵn sàng thanh toán trực tuyến mỗi khi đặt một món hàng nào đó trên TMĐT.

Đọc thêm