Thúc đẩy xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay rất mạnh mẽ. Đây chính là thuận lợi, động lực để doanh nghiệp hướng đến sự thay đổi, sự cải thiện sản phẩm hay dịch vụ của mình ngày càng xanh, bền vững.
MM Mega Market thay thế túi nilon bằng túi sử dụng nhiều lần. (Ảnh: Mmmega)
MM Mega Market thay thế túi nilon bằng túi sử dụng nhiều lần. (Ảnh: Mmmega)

Sản phẩm xanh ngày càng được ưa chuộng

Tại Tọa đàm Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững (do Tạp chí Công Thương tổ chức hôm qua - 30/8), ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã có những định hướng cũng như triển khai những hoạt động nhằm thúc đẩy chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Cụ thể, trong sản xuất bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; xây dựng được những mô hình thu gom, tái chế, những mô hình về tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, những nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, một số ngành.

Trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh những vấn đề như tái chế, tái sử dụng cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng (NTD). Chẳng hạn như việc vận động và hiện đã được áp dụng ở những hệ thống siêu thị, hệ thống chợ đầu mối thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng, sử dụng những túi nilon sử dụng một lần bằng những đồ vật sử dụng vật liệu có thể tái chế được như túi cói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng - Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (MM Mega Market Việt Nam) nhận định, NTD hiện nay, đặc biệt là NTD trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn. “Tôi đã từng chứng kiến những NTD trẻ họ từ chối túi nilon, không dùng hộp xốp và bày tỏ mong muốn được mua hộp đựng xôi được sản xuất từ bã mía hoặc là họ sẽ chủ động lựa chọn những thương hiệu có trách nhiệm hơn với xã hội” - bà Hưng nói, đồng thời khẳng định xu hướng tiêu dùng xanh càng ngày càng mạnh mẽ hơn và nó tác động đến doanh nghiệp (DN), làm cho DN phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của NTD hiện nay.

Nhận thức sớm về sản xuất xanh là lợi thế

Theo ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, việc các DN nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp DN tiếp cận được với những xu thế trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có những tiêu chuẩn cao hơn; cũng sẽ giúp DN, đặc biệt là DN có những mặt hàng xuất khẩu tiếp cận tốt hơn, có được sự cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Do đó, việc nhận thức được và tiến hành chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với mọi DN và DN nào nhận thức, chuyển đổi sớm sẽ có lợi thế.

“Khi chuyển đổi sang sản xuất bền vững thì DN Việt Nam có những lợi thế nhất định. Đó là nắm bắt được xu thế của thế giới, đó là định vị được thương hiệu của Việt Nam, định vị thương hiệu của sản phẩm, của DN khi đưa ra thị trường thế giới… Khi chuyển đổi sang được nền sản xuất xanh thì chúng ta cũng có những lợi thế khác như có thể có sự chiếm lĩnh được thị trường, chiếm lĩnh được niềm tin của NTD” - ông Quang nói…

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) cũng khẳng định, xu hướng sản xuất xanh, sạch hơn là một xu hướng tất yếu, không thể chối cãi. Chính vì vậy, việc xu hướng này ảnh hưởng đến DN là đương nhiên và sẽ ảnh hưởng theo cả hai hình thức chủ động và bị động.

Chủ động tức là việc sản xuất xanh, sạch bây giờ không thể đơn giản là một công đoạn, là một giai đoạn nào trong một chuỗi sản phẩm mà nó là một quá trình hình thành ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc triển khai và kết thúc dự án. Như vậy, quá trình sản xuất xanh có thể tác động, làm thay đổi về mặt nhận thức, về mặt tư duy đối với các DN hiện tại, đặc biệt trong ngành than là rất lớn.

Về vấn đề tác động theo hướng bị động, theo ông Huân, tức là trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn DN nói chung cũng như DN sản xuất than nói riêng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng và từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng cho rằng, nếu DN có những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, thân thiện hơn với môi trường, những giải pháp mới và nếu có cách truyền tải những thông điệp, những ý nghĩa đó hiệu quả đến NTD thì NTD cũng có thể thay đổi lựa chọn, thay đổi hành vi tiêu dùng của họ.

“Chúng ta sẽ thấy tác động hai chiều giữa NTD và DN” - bà Hưng nói và dẫn chứng MM Mega Market là chuỗi siêu thị đầu tiên không phát túi nilon cho khách hàng tại quầy tính tiền và đưa ra những giải pháp cho khách hàng, ví dụ như dùng thùng carton, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi nilon phân hủy sinh học để khách hàng lựa chọn. Và đa phần khách hàng đều lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, chắc chắn DN nào nhận thức sớm về sản xuất xanh, DN đó sẽ chiếm lĩnh được lòng tin của NTD.

Đọc thêm