Thúc giục siết chặt quy định thuế với các công ty đa quốc gia

(PLO) - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc hôm 24/7 tại TP Thành đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Các nước nhóm G20 đã đề xuất tăng cường việc hợp tác chống chuyển giá, tránh thuế.
Thúc giục siết chặt quy định thuế với các công ty đa quốc gia

Sẽ sử dụng mọi công cụ để thúc đẩy tăng trưởng

Hai vấn đề được nhấn mạnh tại hội nghị lần này là tác động của sự kiện Anh rời EU và nỗi lo sợ nạn khủng bố gia tăng. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước G20 khẳng định G20 đã sẵn sàng chủ động ứng phó với những tác động tài chính và kinh tế tiềm tàng do cú sốc này mang lại, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn mọi hình thức tài trợ cho khủng bố.

G20 cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách, trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu, nhằm tăng cường lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó hướng đến việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Đại diện các nước cũng phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết không phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác, vốn dẫn đến tình trạng thừa cung và giá cả hàng hóa sụt giảm.

Tăng cường hợp tác quốc tế về chính sách thuế

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20, cùng nhiều đại diện các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm thảo luận hợp tác thu thuế quốc tế, cụ thể là vai trò của chính sách thu thuế trong việc thúc đẩy đầu tư thương mại và thực hiện tăng trưởng kinh tế.

Tình trạng trốn thuế xuyên quốc gia khá nghiêm trọng. Theo thống kê không đầy đủ, mỗi năm thất thu thuế thu nhập DN trên toàn cầu do xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận lên tới 100 - 240 tỷ USD, chiếm 4%-10%.

Đây cũng là một vấn đề đang gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, khi các công ty đa quốc gia từ Google đến Starbucks đang đối diện với nhiều buộc tội rằng họ không nộp thuế xứng đáng cho những quốc gia nơi họ kinh doanh, đồng thời nhiều hợp đồng sáp nhập, chuyển nhượng trị giá nhiều tỷ USD đã được thực hiện để mang lại những lợi ích về thuế cho công ty.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho rằng, các quy định về thuế qua biên giới đã được xây dựng thường gắn với khái niệm về địa lý và biên giới các quốc gia. Tuy nhiên, với sự phát triển của điện toán đám mây và công nghệ hiện nay, có nhiều thứ rất khó để xác định.

“Chúng ta cần có một tiêu chuẩn chung giữa các quốc gia về những vấn đề quan trọng trong chuyển giá”, ông nói. Theo Bộ trưởng Mỹ, các quốc gia cần phải thỏa thuận với nhau về những vấn đề liên quan đến việc lẩn tránh nộp thuế. Những động thái này có thể làm thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu và khiến các công ty đa quốc gia nộp nhiều thuế hơn, giảm lợi nhuận của các cổ đông. 

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cho biết, DN và các cơ cấu thương mại quốc tế đã “thay đổi mạnh mẽ, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống thuế quốc tế hiện tại”. Vì vậy, nhóm G20 cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực thuế. 

Trước đó, nhóm G20 đã đưa ra các đề xuất về yêu cầu các chính quyền chia sẻ thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty, cùng nhau lập danh sách đen của các thiên đường thuế mà không hợp tác chia sẻ thông tin. 

Tuy nhiên, nội dung thảo luận tại hội nghị lần này đã được mở rộng hơn, bàn đến những vấn đề như BEPS - thuật ngữ này thể hiện việc các công ty sử dụng các kỹ thuật tính toán để chuyển lợi nhuận về mức thấp, hoặc không thuế, để không phải nộp. 

Theo ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bước sang thế kỷ 21, các tài sản như tài năng, vốn và kể cả những tài sản vật chất ngày càng mang tính di động cao, vì vậy việc hợp tác toàn cầu về những vấn đề chính sách thuế là hết sức cần thiết và quan trọng. 

Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là “quyền hạn pháp lý, bao gồm cả trong chính sách thuế, là vấn đề nhạy cảm bởi nó liên quan đến chủ quyền quốc gia”, ông nói thêm.

Đọc thêm