Không còn là câu chuyện khó
Hoàn Thị Lý (30 tuổi, sinh sống ở Hà Nội), cô là người dân tộc Phù Lá, quê ở Lào Cai. Hiện tại, Lý đang làm giáo viên cho một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội. Cô có hai bằng cử nhân, hai bằng thạc sỹ, đã từng có thời gian làm sinh viên trao đổi ở Anh quốc. Lý chia sẻ: “Ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, người dân sớm ý thức được tầm quan trọng việc học hành đối với cả nam giới và phụ nữ. Vì vậy, từ nhỏ, tôi đã được gia đình khuyến khích, động viên học tập thật tốt”.
Được biết, gia đình Lý có ba anh chị em, cô còn một anh trai, một chị gái, tất cả đều được đi học thấp nhất là bậc cử nhân (đại học) trên Hà Nội. Bố mẹ cô luôn đối xử bình đẳng với con trai, con gái trong nhà. Cô cho biết: “Thời bố mẹ tôi còn trẻ, cộng đồng vẫn còn những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, bất bình đẳng trong gia đình. Đến thời tôi, bố mẹ, họ hàng, bà con đã được nghe tuyên truyền thường xuyên. Hiện tại, chỉ có những cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa thưa vắng người mới còn lưu giữ các hủ tục”.
Ngoài gia đình Lý, trong họ hàng của cô, những người phụ nữ cũng rất được coi trọng. Cô ruột của Lý là nghệ nhân thổi sáo bằng mũi hiếm hoi còn lại trên bản làng. Bà được mọi người trọng vọng, kính nể. Những người phụ nữ khác trong xã của Lý cũng được đi làm, tham gia các công tác đoàn thể. Ngay trong gia đình, bố cô thường xuyên chia sẻ việc nhà, tâm sự, trò chuyện với mẹ và ba anh em cô. Lý kể lại: “Đến mùa làm nương rẫy, bố luôn cùng mẹ gánh vác việc đồng áng. Đặc biệt, việc nhà, trừ khi có cỗ, bố tôi buộc phải ra tiếp khách. Bình thường, ông luôn giúp mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,...”.
Tư tưởng của gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến Lý, dù lấy người cùng quê, cùng dân tộc. Tuy nhiên, hai vợ chồng cô đã lên Hà Nội lập nghiệp. Ngoài việc đi dạy thêm, cô còn mở những lớp học nhỏ tự dạy và quản lý. Những lúc Lý bận rộn, chồng cô là người chăm sóc các con. Cô nói: “Chồng tôi và tôi yêu nhau khi đang học đại học trên Hà Nội. Thật may mắn chúng tôi là người cùng quê, cùng gốc. Vợ chồng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống”.
Người phụ nữ dân tộc đã có vị thế hơn trong gia đình. (Ảnh: Hoàn Thị Lý (bên trái) - Nguồn: NVCC) |
Đào Thị Thủy (20 tuổi, quê ở Hà Giang) người dân tộc Mông chia sẻ, hiện nay, cuộc sống của người phụ nữ dân tộc thiểu số đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Cô nói: “Những người đàn ông trong các gia đình đã ít uống rượu hơn trước rất nhiều. Ý kiến của những người phụ nữ cũng được tôn trọng hơn. Mặc dù ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng tảo hôn, nhưng không còn phổ biến nhiều như trước nữa. Các gia đình có điều kiện cũng cho trẻ em gái được đến trường phổ cập kiến thức”. Bản thân Thủy cũng đang là sinh viên ở Hà Nội. Việc học hành của cô rất được bố mẹ chú trọng. Gia đình Thủy định hướng cho cô học ngành Du lịch. Đây là một ngành nghề đang rất phát triển ở vùng cao Hà Giang. Trong thời gian học trên Hà Nội, Thủy còn đầu tư nâng cao trình độ tiếng Anh, tiếng Trung theo lời khuyên của thầy cô giáo cũ và bố mẹ. Cô chia sẻ: “Bố mẹ tôi thường bảo rằng ngoài con chữ, cần phải biết thêm tiếng Tây để giao tiếp với du khách”.
Cô cho biết, bố mẹ cô trước kia đều phải bỏ học làm nương rẫy, bươn chải cuộc sống từ sớm. Hai người lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Thời kỳ đó, do truyền thông còn hạn chế, nên bố mẹ cô sống rất cực khổ. Vì vậy, sau này, khi nhận thức được tác hại của việc tảo hôn, bỏ học, bố mẹ cô luôn mong muốn các con “biết lấy con chữ”, lên thành phố lớn học đại học. Cô cho biết: “Mưa dầm sẽ thấm, tôi luôn hy vọng các thông tin truyền thông về tảo hôn, khuyến khích học tập sẽ tích cực được đẩy mạnh. Mong rằng trong vài năm tới, các cộng đồng DTTS sẽ có được bình đẳng giới như người ở dưới xuôi”.
Thực tế, những câu chuyện trên là một phần trong cuộc sống của các cộng đồng DTTS. Hiện nay, dù vẫn còn những nơi tồn tại các hủ tục, tuy nhiên, nhờ công tác truyền thông tích cực của Đảng, Nhà nước mà hiện tại, bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS đã cải thiện rất nhiều. Không ít các gia đình cho con gái đi học, những người chồng chăm lo đến đời sống tinh thần của vợ và có trách nhiệm hơn.
Tiếp tục cải thiện vị thế của phụ nữ DTTS
Theo TS. Trương Thúy Hằng, Học viện Phụ nữ Việt Nam, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể về bình đẳng giới trong giáo dục. TS. Trương Thúy Hằng cho rằng, hiện trẻ em gái được đi học nhiều hơn, hiện tượng tảo hôn ở miền núi đã giảm qua các năm. Tuy nhiên, trẻ em gái vùng sâu, vùng xa vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ em trai trong tiếp cận giáo dục.
Một trong những vấn đề cần chú trọng ở các cộng đồng DTTS là giáo dục. Nhờ công tác giáo dục từ khi còn nhỏ cho các em, mới thay đổi được những định kiến về giới đã ăn sâu trong xã hội. Như câu chuyện được nhiều người biết đến của bà Hồ Thị Còn ở tỉnh Quảng Bình, là người dân tộc Bru Vân Kiều. Dân tộc có truyền thống “nối dây”, khi chồng chết, thì người vợ phải “tái hôn” với anh/em trai của chồng.
Sau khi chồng mất, bà trì hoãn việc tái hôn với em chồng. Trong thời điểm đó bà giữ một chức vụ quan trọng trên xã, được học tập, biết thêm nhiều kiến thức, luật pháp, bà đã dứt khoát xin ra khỏi họ để “thờ chồng, nuôi con”. Trước lời đe dọa, cảnh cáo từ họ hàng, bà vẫn không lung lay. Một thời gian sau, nhiều người phụ nữ cũng học tập tấm gương bà, chồng chết, không tái giá với anh em chồng mà nhận đất tăng gia, sản xuất tự nuôi con, thoát cái nghèo.
Công tác truyền thông làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người DTTS. (Ảnh: Đào Thị Thủy - Nguồn: NVCC) |
Thực tế, trong 10 năm qua, hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT ở các vùng sâu, vùng xa đã được Bộ GD&ĐT củng cố và phát triển. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng mà người DTTS ở phân tán, địa hình cách trở cũng đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS, tất cả các huyện đều có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS. Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Hệ thống giáo dục chuyên biệt cũng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Được biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển GD&ĐT đã ban hành; nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Ngoài vấn đề về giáo dục, cần tiếp tục nâng cao truyền thông về bình đẳng giới. Theo đại diện Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), truyền thông về bình đẳng giới nhằm đạt được sự thay đổi về kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến bình đẳng giới cho các đối tượng là nam và nữ người DTTS. Tùy theo chủ đề và nội dung truyền thông, có thể phân tách riêng người tham gia là nam và nữ để việc tiếp thu thông tin hiệu quả hơn.
Đặc biệt, cần cần đa dạng hóa hình thức/kênh truyền thông để người được truyền thông dễ dàng tiếp cận, người truyền thông có thể lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp. Có thể kết hợp các hình thức truyền thông đa dạng để truyền tải thông tin đến đối tượng được truyền thông như thông qua tài liệu, ấn phẩm in, loa phát thanh, đài truyền hình, đài truyền thanh; các website, mạng xã hội; Lồng ghép trong các cuộc họp thôn/bản. Tùy theo điều kiện thực tế ở từng địa phương, cán bộ phụ trách truyền thông có thể lựa chọn hình thức phù hợp dựa trên nguyên tắc người được truyền thông có thể dễ dàng tiếp cận các thông điệp đưa ra.
Cuối cùng, để giúp người phụ nữ DTTS “làm chủ” cuộc sống của mình, cần có nền tảng kinh tế vững chắc. Vì vậy, các cấp, ban, ngành cần khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các HTX, vay vốn khởi nghiệp. Lấy ví dụ với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề,... đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ DTTS tích cực phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bởi chỉ khi có được công việc, thu nhập ổn định, người phụ nữ DTTS mới không phải phụ thuộc vào chồng, gia đình chồng. Họ có được tiếng nói, vị thế nhất định trong cộng đồng của mình.