Thực hiện chế định Thừa phát lại – hướng đi đúng đắn về xã hội hóa hoạt động tư pháp

(PLVN) - Sáng 20/7, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Tọa đàm “Thực hiện chế định Thừa phát lại – hướng đi đúng đắn về xã hội hóa hoạt động tư pháp”. Chủ trì Tọa đàm là ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và đô thị.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội và đại diện một số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội.

Giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và đô thị cho biết, Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2/2014 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP. Đến nay, số lượng văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội lên đến con số 38.

Các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án (THA), thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án...

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.

Thời gian qua, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần thúc đẩy ổn định, trật tự trong giao lưu dân sự, kinh tế thông qua hoạt động lập vi bằng, tạo lập chứng cứ giúp chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cho hoạt động xét xử của tòa án; đồng thời, xác minh điều kiện THA của Thừa phát lại cho thấy những thông tin về điều kiện THA của đương sự do Thừa phát lại cung cấp đã giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, giúp cơ quan THA có thêm cơ sở đưa ra các phương thức tổ chức THA phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức cuộc Toạ đàm “Thực hiện chế định Thừa phát lại - hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp”. Tọa đàm không chỉ phác thảo bức tranh chung về công tác Thừa phát lại tại Hà Nội mà còn gợi mở những giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của công tác Thừa phát lại.

Các vị khách mời và diễn giả tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức. Ảnh: Khánh Huy.Các vị khách mời và diễn giả tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức. Ảnh: Khánh Huy.

Đề xuất xây dựng Luật Thừa phát lại

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Phương Nam (Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội) cho biết, hiện nay có 38 Văn phòng Thừa phát lại, trong đó, 8 Văn phòng được cấp hoạt động từ trước năm 2023, 30 Văn phòng được cấp từ tháng 3/2023 đến nay với 91 Thừa phát lại hoạt động. Qua thống kê của Phòng Bổ trợ tư pháp, số lượng vi bằng được lập nhiều đã đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách của TP, đồng thời giảm thiểu công việc của các cơ quan chức năng. 6 tháng đầu năm 2023, 38 Văn phòng đã lập được 10.054 vi bằng.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì Thừa phát lại ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, một số quy định chưa phù hợp với thực tế; Số lượng Vi bằng nhiều, kho chật, công chức giải quyết việc khiêm tốn, lại vừa cập nhật, kiểm tra, vào sổ nên đây cũng là khó khăn, vướng mắc, bất cập lớn.

Bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.Bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.

Theo bà Nam, Sở Tư pháp TP Hà Nội đang tham mưu lãnh đạo TP kế hoạch kiểm tra Văn phòng Thừa phát lại và sẽ kiểm tra 5 Văn phòng Thừa phát lại để tìm hiểu khó khăn, kịp thời báo cáo Sở Tư pháp, UBND TP Hà Nội.

“Nghị định 08/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, quy định chức năng nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng hạn chế. Do đó, chúng tôi kiến nghị đề xuất mở rộng công việc cho Thừa phát lại, trong thời gian tới, sửa đổi Nghị định hoặc xây dựng Luật Thừa phát lại” bà Nam nói.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lạng (Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình) cho biết, Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã lập được 14.065 Vi bằng. 100% Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội theo đúng quy định. Về công việc Tống đạt văn bản giấy tờ, Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã ký hợp đồng và tiến hành Tống đạt với TAND quận Ba Đình; đã nhận và tống đạt được 4.490 văn bản. Về thi hành án dân sự, trong những năm qua văn phòng không tiếp nhận thêm việc mới, chỉ thực hiện những việc còn đang dở dang. Đã thu cho người yêu cầu được 22,658 tỷ đồng, thu 673 triệu đồng tiền phí.

Chia sẻ về Hội Thừa phát lại, ông Nguyễn Văn Lạng cho biết, đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân Việt Nam đang hành nghề Thừa phát lại tại các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội, tự nguyện thành lập và tham gia, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn TP.

Đồng thời, xây dựng các giá trị chuẩn mực của Thừa phát lại Thủ đô, phát triển đội ngũ Thừa phát lại có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam./.

Đọc thêm