“Đột phá thứ ba” trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Ngày 4/5 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đến ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề “Động lực mới cho phát triển kinh tế”, trong đó khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Theo Đại biểu, các thông điệp nêu trong Nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.
“Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW ở thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng, nếu triển khai thực hiện thắng lợi, thì đây có thể sẽ là “bước ngoặt”, là “đột phá thứ ba” trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, Đại biểu nói.
Phân tích, Đại biểu Phan Đức Hiếu chỉ rõ, mốc đột phá thứ nhất là giai đoạn 1988-1990, khi chúng ta chuyển từ quan điểm kinh tế tư nhân là thành phần cải tạo, nghĩa là không được thừa nhận, chuyển sang là được thừa nhận, và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật.
Mốc đột phá thứ hai là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (1999-2000), dấu mốc lớn, giúp thay đổi một bước nữa về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân.
“Với Nghị quyết 68-NQ/TW, chúng ta có thể kỳ vọng đây là mốc đột phá thứ ba, nhưng sự đột phá lần này khác với hai lần đột phá trước”, Đại biểu nói.
Đề cập sự khác biệt của Nghị quyết 68-NQ/TW so với hai mốc đột phá trước, ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ, đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường.
“Tất cả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW cho thấy 3 nhóm mục tiêu mà Bộ Chính trị mong muốn là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường; tăng mức độ bảo vệ; và khơi thông nguồn lực. Với 3 mục tiêu cũng là 3 cải cách nêu trên, đây sẽ là dấu mốc thứ ba giúp thay đổi chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu mục tiêu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn 2030 – 2045”, Đại biểu chỉ rõ.
Chỉ khi cải cách mạnh mẽ về thể chế mới tạo ra đột phá
Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp như “kịp thời xây dựng và hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển”; “đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân”.
Nhìn nhận về nội dung này, Đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định, có bằng chứng và thực tiễn về vai trò, ý nghĩa, tác động, tầm quan trọng của cải cách thể chế đối với thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh.
Dẫn thực tế từ 2 dấu mốc 1988 - 1990 và 1999 - 2000, khi chúng ta cũng tiến hành cải cách thể chế, Đại biểu cũng khẳng định cải cách thể chế sẽ là biện pháp hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất, khả thi nhất.
“Nếu như cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, thì đây sẽ là “biện pháp cải cách rẻ nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất”. Mặt khác, cải cách thể chế cũng là biện pháp “dễ” nhất xét về lý thuyết, vì Nhà nước làm ra thể chế thì Nhà nước tiến hành cải cách. Và, trong thực tế cải cách thể chế của nước ta đã cho thấy không phải có những hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực thì mới tạo ra sự đột phá mà chỉ khi cải cách mạnh mẽ về thể chế mới tạo ra đột phá”, Đại biểu nhận định.
Vẫn theo Đại biểu, nhìn vào Nghị quyết số 68-NQ/TW, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo. Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý rất rõ, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; và nếu như chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động chắc chắn sẽ rất lớn.
“Tôi cho rằng, thể chế phải đi trước thì mới có kết quả. Qua nghiên cứu Nghị quyết số 68-NQ/TW, tôi nhận thấy tinh thần của các nhóm giải pháp về cải cách thể chế không phải là “đơn giản hóa”, hay chỉ “sửa đổi”, mà thể hiện rất mạnh mẽ bằng các cụm từ, như “bãi bỏ”, “cắt giảm”... Điều này tiếp tục được nhấn mạnh trong bài viết “Động lực mới cho phát triển” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nghĩa là chúng ta phải “cắt bỏ đi” - một quy định không tốt, thì không đơn giản chỉ là sửa đổi để tốt hơn một chút mà nếu quy định đó không tốt thì phải “bãi bỏ””, Đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Theo Đại biểu, đây là tinh thần rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước trên thế giới.
Cùng với đó là câu chuyện thực thi pháp luật. “Việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp, cần sử dụng những biện pháp phù hợp với tính chất của một vụ việc kinh tế. Nói cách khác, xử lý một vụ việc mang tính chất kinh tế, hành chính thì phải tách bạch với hình sự. Đồng thời, khi xử lý cũng phải tách bạch giữa tài sản, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp với doanh nghiệp”, Đại biểu phân tích.
Đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, chúng ta đã có sự thay đổi tư duy quản lý nhà nước một cách căn bản, sử dụng những công cụ phù hợp cần thiết, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
“Với Nghị quyết số 68-NQ/TW, rõ ràng chúng ta đã có sự thay đổi về tư duy quản lý nhà nước, và không phải cứ bãi bỏ quy định là mất công cụ quản lý nhà nước; mà bây giờ chúng ta phải quản lý bằng cách hiệu quả nhất, không phải “quản lý bằng mọi giá”, Đại biểu nói.