Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính

(PLVN) - Sáng 3/10, Văn phòng Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm Đánh giá, rút kinh nghiệm về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện Đề án 06 từ nay đến hết năm 2023. Chủ trì Tọa đàm là Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Theo Báo cáo, tổng số điểm Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp năm 2022 là 90.63/100 điểm – xếp thứ 2/17 Bộ. Đây là năm thứ năm liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC cấp Bộ. Tổng giá trị điểm số của Bộ Tư pháp đều tăng đối với điểm chấm qua thẩm định cũng như điểm đánh giá qua điều tra xã hội học.

Kết quả trên đã thể hiện sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ cũng như nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Bộ cũng có nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác CCHC; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC của các đơn vị thuộc Bộ; có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo đồng bộ giữa CCHC và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Trong đánh giá Chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Tư pháp cũng đạt chỉ số điểm cao, xếp thứ 1/17 Bộ ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Kết quả đó đã tiếp tục phản ánh sự nhìn nhận cũng như ủng hộ của Lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng như của các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý đối với việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực CCHC của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, qua rà soát số điểm trừ của Bộ Tư pháp cũng như qua phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc chấm điểm năm 2022, Văn phòng Bộ nhận thấy trong thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Bộ còn một số hạn chế. Trong đó, có 2 lĩnh vực nằm ngoài top 3 vị trí xếp hạng theo lĩnh vực là Cải cách chế độ công vụ (xếp thứ 9/17 Bộ); Cải cách tài chính công (xếp thứ 5/17 Bộ) và Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số (xếp thứ 9/17 Bộ)…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC của Bộ, trọng tâm là các nội dung đánh giá Chỉ số CCHC, Văn phòng Bộ đề nghị các đơn vị rà soát các nội dung bị trừ điểm tại Chỉ số CCHC năm 2022 của Bộ Tư pháp, rút kinh nghiệm và chủ động hoặc tham mưu Lãnh đạo Bộ các giải pháp để khắc phục.

Văn phòng Bộ đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đảm bảo tiến độ, chất lượng các đề án, văn bản được giao chủ trì soạn thảo thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản, đề án thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp năm 2023 và hoàn thành đúng hạn việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Các đơn vị có TTHC thuộc phạm vi quản lý cần thực hiện rà soát lại toàn bộ nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đối chiếu với các quy định tại Văn bản Quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định về TTHC thuộc lĩnh vực quản lý.

Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Xuân Quý.

Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Xuân Quý.

Đối với các đơn vị giải quyết TTHC của Bộ, cần thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin trong thực hiện TTHC; tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC thuộc phạm vi quản lý; kiên quyết không để xảy ra tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn…

Cũng tại Tọa đàm, Văn phòng Bộ đã nêu 12 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện Đề án 06 từ nay đến hết năm 2023. Theo đó, hoàn thành việc rà soát và xử lý, đề xuất xử lý kết quả rà soát văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) triển khai Đề án số 06 theo yêu cầu của Chỉ thị số 05, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện có hiệu quả việc cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông 02 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử; Triển khai Đề án “Thí điểm liên thông dữ liệu cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử” và Dự án đầu tư công về “Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch”;

Hoàn thành việc kết nối một số phần mềm nghiệp vụ trong các lĩnh vực: quốc tịch, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thnah toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định; Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ…

Tại Tọa đàm, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện CCHC.

Phát biểu kết luận, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết trong thời gian qua, Văn phòng Bộ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị thuộc Bộ nên một số nhiệm vụ của Bộ đạt được kết quả nhất định. Văn phòng Bộ mong muốn các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ để thực hiện việc CCHC và Đề án 06.

Đối với các ý kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Văn phòng Bộ sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, gửi văn bản cho các đơn vị để cùng triển khai thực hiện. “Chúng ta sẽ cố gắng duy trì thứ hạng hiện tại”, Chánh Văn phòng Bộ nói./.

Đọc thêm